Tập đoàn nào đang muốn đầu tư vào sân bay Chu Lai?ậpđoànnàođangmuốnđầutưvàosâxem tin tức bóng đá
(Dân trí) - Chủ tịch UBND Quảng Nam cho biết, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành.
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin về việc xúc tiến đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay 4F.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sân bay Chu Lai đang được Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Vietjet nghiên cứu tiền khả thi.
Ông Lê Văn Dũng cho biết, trước đây, Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh đã đồng ý chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệpnào chính thức đầu tư vào sân bay Chu Lai.
Sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chínhđến Ấn Độ hồi tháng 7, ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ) - có buổi tiếp xúc với Thủ tướng.
Tại đây, lãnh đạo Tập đoàn Adani bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại một số dự án ở Việt Nam, trong đó có sân bay Chu Lai, Quảng Nam. Ngoài ra, Vietjet cũng đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, nếu đủ điều kiện, các tập đoàn này sẽ tiếp tục đề xuất và Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ. Ông cho biết thêm, sân bay Chu Lai được đánh giá là một trong 3 sân bay lớn nhất cả nước hiện nay về không gian với diện tích hơn 2.000ha, đều là "đất sạch" do Nhà nước quản lý.
"Đây là thuận lợi rất lớn để đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế, trung chuyển hàng hóa. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho Quảng Nam nếu được đầu tư", chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, quan điểm của tỉnh là mong muốn Trung ương cho phép đầu tư sân bay Chu Lai theo hướng xã hội hóa. Tỉnh hoan nghênh nhà đầu tư vào nghiên cứu, trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật. Tỉnh cũng rất kỳ vọng sân bay Chu Lai được đầu tư thành sân bay cấp 4F, trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, sân bay Chu Lai được định hướng trở thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế; trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay lớn của khu vực...
UBND tỉnh Quảng Nam cũng phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gửi Trung ương.
Theo nội dung đề án, giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2023, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch có công suất khoảng 10 triệu khách/năm vào năm 2030, đến năm 2050 đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm.