Trang đang làm nghiên cứu sinh tại đại học Quốc gia Seoul. Sau kỳ nghỉ đông kéo dài hai tháng,ọcsinhtạiHànQuốccăngthẳngtrongngàydịchbùngphákết quả bóng đá u19 ý Trang đáp chuyến bay khởi hành lúc 9h sáng ngày 20/2 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Seoul (Hàn Quốc) khi virus corona vẫn đang hoành hành khắp Châu Á.
Theo như số liệu cập nhật tính đến sáng hôm đó, số người nhiễm tại Hàn Quốc chỉ dừng lại ở hơn 50 người, riêng khu vực Seoul chỉ có 3 người chính thức bị chẩn đoán mắc bệnh. Bố mẹ và người thân khuyên cô ở lại nhưng do có lịch trình hẹn trước với giáo sư và chuyển kí túc xá nên cô đành khăn gói lên đường.
Trang (áo trắng) phiên dịch tại buổi làm việc của đoàn Hội nhà Báo Việt Nam tại Hàn Quốc
4 giờ chiều: Trang đáp xuống sân bay, sân bay khá vắng. Trang nhanh chóng di chuyển qua khâu kiểm tra an ninh để làm thủ tục nhập cảnh. Không khí không khẩn trương, chỉ duy nhất là sự thận trọng của các nhân viên kiểm tra hộ chiếu.
Mọi người đều đeo khẩu trang, cẩn thận khi tiếp xúc với người nước ngoài. Duy nhất khâu kiểm tra hành lý ký gửi được các nhân viên mặt đất tiến hành gắt gao. Vài chú chó nghiệp vụ được dẫn đến để ngửi và kiểm tra hành lý khả nghi từ các vali của hành khách đến từ Việt Nam.
5 giờ chiều: Bước ra bến để bắt buýt về trường đại học. Trang an tâm phần nào khi không khí vẫn rất bình yên. Số lượng người đeo khẩu trang thực sự không nhiều như Trang nghĩ.
Đến trường, Trang đi từ ngạc nhiên đến ấm lòng trước băng rôn cổ vũ Vũ Hán và du học sinh Trung Quốc được treo rất trang trọng trước cổng ký túc xá. Ban quản lý ký túc xá khuyến khích sinh viên từ Trung Quốc, Hong Kong, Macao, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam tự cách ly trong vòng 14 ngày kể từ sau khi nhập cảnh.
Bước vào phòng ký túc xá, Trang bất ngờ khi bạn cùng phòng thông báo số lượng người bị bệnh đã tăng gấp đôi từ 46 người lên 104 người.
Một cô bạn người Việt cùng trường gửi cho Trang đường link ứng dụng giúp kiểm tra mức độ an toàn của khu vực mình đang sống hoặc nơi mình dự định sẽ ghé qua. Đây là ứng dụng được một sinh viên Hàn Quốc viết ra, cung cấp các thông tin và lộ trình di chuyển của những người bệnh để người bình thường chú ý và phòng tránh.
Băng rôn “cố lên Vũ Hán” treo trước ký túc xá Đại học ký túc xá Seoul
Những người bệnh được đánh theo số thứ tự. Khi Trang vào quy cập, ứng dụng đã bị nghẽn vì số lượng người sử dụng quá đông. Mọi người có chút an tâm khi thấy khu vực trường mình được đánh dấu an toàn nhưng vẫn không giấu được nỗi lo lắng trong lòng.
Sáng 21/2: Các tin thông báo về lịch trình gặp mặt giáo sư, giấy tờ nộp lên văn phòng khoa cùng lịch hoạt động nhóm liên tục gửi đến điện thoại của Trang.
Có vẻ như mọi người ở trường vẫn chưa biết đến sự lây lan của virus. Gia đình và bạn bè ở Việt Nam của Trang bắt đầu lo lắng gửi tin thăm hỏi. Các bạn và đồng nghiệp Hàn Quốc vẫn chưa cảm nhận được sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Trang thầm nghĩ, chắc chỉ có người Việt Nam mình lo xa.
10 giờ sáng 21/2:Báo đài cập nhật số lượng người nhiễm virus đã tăng lên 156 người. Trang choáng. Con số 156 người là quá lớn so với 16 người tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc được đánh giá cao về mặt trình độ khoa học kỹ thuật, y tế nên trong lòng Trang hy vọng chính phủ Hàn Quốc sẽ nhanh chóng giải quyết được tình hình.
15h giờ ngày 21/02:Đài truyền hình thông báo số người bệnh đã tăng lên 198 người. Con số tăng quá nhanh so với sự tưởng tượng của Trang và các bạn. Mọi người lo lắng thực sự trước tình hình diễn biến phức tạp và nguy cấp.
18 giờ 30 phút ngày 21/2: Thêm một lần cập nhật. Số người bệnh đã tăng lên 204 người. Trên báo đài, đầy rẫy những câu chuyện về giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, giáo phái có những tín đồ cuồng tín khiến căn bệnh lây lan nhanh ở Hàn Quốc. Họ là những người trông rất tri thức nhưng bám đuổi dai dẳng, cốt chỉ để kể cho bạn nghe những câu chuyện về niềm tin tôn giáo của họ.
Tối hôm đó, trong lòng Trang thực sự bất an. Em gái từ Việt Nam nhắn tin sang: “Chị Hai à? Hay về Việt Nam đi. Em sợ chị có mệnh hệ gì.”
21 giờ ngày 21/02: Ban chấp hành hội sinh viên Việt Nam trường Trang chuyển tiếp thông báo của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Trong thông báo có chia sẻ đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Tổng đài bảo hộ Việt Nam.
Lần đầu tiên Trang có được cảm giác an tâm, cảm giác có một cơ quan bảo hộ khi ở nước ngoài. Trang và các bạn cảm nhận được sức nóng và sự nguy cấp của tình hình đang diễn ra.
23 giờ ngày 21/2: Báo đăng trường hợp tử vong thứ 2 tại Hàn Quốc do nhiễm virus. Có quá nhiều thông tin và thông số được cập nhật trong vòng 24 giờ qua làm Trang và các bạn thật sự bất an. Mọi người vào các trang bán hàng online để mua thêm khẩu trang và nước rửa tay. Tuy nhiên, sản phẩm hầu như gần cạn hàng.
9 giờ sáng ngày 22/2: Đài báo số lượng người nhiễm đã tăng thêm 142 người lên 346 người.
19 giờ ngày 22/2:Số người bệnh được cập nhật lên 433 người và có 1 người vừa tử vong.
Thủ tướng Hàn Quốc phát biểu trực tiếp lên truyền hình mong người dân không tụ tập để tránh virus lan rộng. Lúc này thì không còn ai trong số những người bạn của Trang có thể bình tĩnh được nữa.
Chủ đề duy nhất trong câu chuyện của Trang và các bạn đều là số lượng người nhiễm và trang bán hàng online mua khẩu trang, nước rửa tay. Khẩu trang hoạt tính hầu như hết hàng, mọi người đành chuyển sang mua khẩu trang vải.
10 giờ sáng ngày 23/2: Số người bệnh đã được cập nhật lên 556 người và thêm 1 người tử vong. Trang thật sự lo lắng và cảm nhận được sự nghiêm trọng của tình hình.
Nhiều bạn bè bắt đầu suy nghĩ đến việc mua vé về Việt Nam. Trang cũng chột dạ, nếu không có cuộc hẹn với giáo sư và lịch trình chuyển kí túc xá chắc Trang cũng đã nhanh chóng theo chân các bạn đặt vé máy bay về Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn không có thông báo trì hoãn hay dời lịch trình từ phía nhà trường. Trang thấp thỏm.
Đúng lúc ấy, Trang nhận được tin nhắn từ bố vỏn vẹn ba từ “Con ổn không?”. Trang biết bao lo lắng của gia đình được nén vào câu hỏi thăm ngắn gọn này. Tuy nhiên, bố mẹ cần bình tĩnh thì con cái mới không quýnh.
Mọi hoạt động đến trường vẫn diễn ra bình thường
Bên ngoài, tiếng xe buýt đưa sinh viên vào trường vẫn đều đặn, và mọi hoạt động trong trường vẫn dường như không có gì thay đổi, ngay cả khi hôm nay là chủ nhật.
Chờ mãi, vẫn không có thông báo dời ngày "move in" ký túc xá nên Trang đành ra ngoài mua thùng để đóng gói đồ đạc. Ngạc nhiên thay, ngoài đường không thấy bất cứ biểu hiện lo lắng của người dân Hàn Quốc.
Nhiều người không đeo khẩu trang và trẻ nhỏ vẫn theo bố mẹ ra đường, mua sắm. Sinh viên vẫn đi chơi, ăn uống như không có điều gì xảy ra. Trang hoàn toàn không thấy sự lo lắng trên gương mặt hay sự dè dặt trong hành động tiếp xúc với người khác của họ.
19h ngày 23/2: Số người bị nhiễm đã lên đến 602 người. Một con số quá khủng khiếp.
Các bạn kháo nhau về khả năng sẽ bị cấm nhập cảnh nếu không về sớm, hoặc khả năng cao hơn là sẽ bị cách ly. Cậu bạn nghiên cứu sinh cùng trường lẽ ra cuối tuần về để 10 hôm nữa làm đám cưới nhưng đành phải đổi vé sang ngay sáng mai vì sợ chậm một ngày sẽ bị cách ly, đi tong đám cưới đã lên kế hoạch từ trước.
9 giờ ngày 24/2: Số người nhiễm được cập nhật tăng lên 763 người.
Cô bạn thân nhắn tin bảo quyết định mua vé may bay về Việt Nam ngay trong tối nay. Trang thật sự lo lắng nhắn tin cho chị bạn người Hàn học cùng khóa. Chị bảo Trang hãy đặt hàng online những nhu yếu phẩm cần thiết dự trữ đủ dùng trong một hoặc hai tuần.
Khi vào ứng dụng đặt hàng của siêu thị, tất cả các lịch giao hàng trong 2-3 ngày tới đều kín. Siêu thị thông báo chỉ có thể giao hàng sớm nhất là tối ngày 27/2. Trang lờ mờ nhận ra người Hàn cũng đã cảm nhận được sự nghiêm trọng của tình hình.
Báo đài cũng đăng tin người dân tại rốn dịch là thành phố Daegu xếp hàng dài để mua khẩu trang.
16 giờ 24/2: Số người nhiễm tăng lên 833 người. Tình hình đã vượt quá sự kiểm soát.
Trang bắt đầu có triệu chứng cảm do chưa kịp thích ứng thời tiết lạnh. Vài người đã về nước do sợ dịch bùng phát nhiều hơn. Những người ở lại ai cũng đau đáu nỗi lo. Bởi vì, nếu chẳng may mình bị bệnh thì sẽ không có gia đình hay người thân chăm sóc.
Bài, ảnh:T. Hoàng