Sau một thời gian dài bị đình hoãn do thiếu vốn, dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã chính thức khởi công lại vào ngày 15-3. Dự kiến, cuối năm 2015, tàu biển trọng tải lớn sẽ vào được đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để vận chuyển hàng. Theo thông tin từ Cục Hàng Hải Việt Nam, dự án sẽ cải tạo, nạo vét 46,5 km luồng, bao gồm đoạn sông Hậu dài 12,1 km, đoạn kênh Quan Chánh Bố dài 19,2 km, đoạn kênh Tắt dài 8,2 km (đào mới thông ra biển) và đoạn kênh biển dài 7 km. Bên cạnh các hạng mục chính, dự án còn phải xây dựng một đê chắn sóng phía Nam dài 2,4 km; kè bảo vệ bờ; khu tránh tàu và hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải... Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lại là 9.781 tỉ đồng (tổng mức đầu tư trước đó khoảng 5.000 tỉ đồng). Dự kiến, đến cuối năm 2015 các hạng mục chính như xây dựng đê chắn sóng phía Nam; nạo vét luồng cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải với chiều dài 46,5km sẽ hoàn thành và thông luồng. Giai đoạn sau 2015, sẽ hoàn thành các hạng mục còn như kè bảo vệ bờ đoạn sông Hậu và đoạn kênh Quan Chánh Bố; bến sà lan 500 tấn; đường ven kênh Tắt; các tuyến đường kết nối; trạm quản lý luồng; hệ thống báo hiệu hàng hải điện tử. Dự án luồng tàu biển vào sông Hậu được khởi công vào cuối năm 2009 với hạng mục đào mới 4,2 km kênh Tắt và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2012 nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, dự án bị đình hoãn. Tuy nhiên, do tầm quan trọng về tiềm năng phát triển kinh tế của dự án đối với khu vực ĐBSCL nên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất Chính phủ cho khởi động lại dự án. Theo thống kê Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2012 sản lượng hàng hóa qua các cảng của khu vực ĐBSCL là 6,67 triệu tấn trên tổng số 30 triệu tấn cần vận chuyển. Trong đó, 80% hàng xuất, nhập khẩu phải chuyển lên các cảng ở khu vực TPHCM do luồng sông Hậu chỉ đáp ứng được cho tàu 5.000 tấn. Việc chuyển hàng hóa lên các cảng ở TPHCM đã khiến chi phí tăng thêm từ 170 - 180 đô la Mỹ/container. Sau khi thông luồng tàu vào sông Hậu, hàng hóa nông - thủy sản của vùng ĐBSCL sẽ được xuất khẩu trực tiếp từ các cảng trên sông Hậu, chứ không cần thông qua các cảng tại TPHCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu như hiện nay; từ đó sẽ giảm được chi phí vận chuyển và tăng thêm sức hút đầu tư vào ĐBSCL. Theo Thesaigontimes.vn |