Chuẩn bị cho năm học mới
Quà tặng… sách giáo khoa
Mùa tựu trường đến cũng là lúc cả tỉnh Thừa Thiên Huế rộn ràng công tác chuẩn bị và như lệ thường là những hoạt động thấm đậm nhân văn,Nóngđội hình ajax gặp rkc waalwijk vận động và giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo được những điều kiện đến trường. Năm học mới 2022 - 2023 cũng thế, có điều quà tặng đầu năm được nhắc nhiều là… SGK.
Toàn huyện A Lưới có trên 8.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Học sinh các khối 4,5, 8 và 9 học chương trình sách cũ thì ổn định. Học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới như lớp 1,2 và 3 (bậc tiểu học), lớp 6 và 7 (bậc THCS) gặp khó khăn, đã được nhà trường kết nối với các nhà xuất bản để cung ứng sách đầy đủ. Được biết, các nhà xuất bản, mạnh thường quân đã tặng học sinh A Lưới hàng trăm bộ sách, giúp những gia đình không có khả năng mua SGK khi bố mẹ không có việc làm.
Theo thông tin từ các huyện, thị xã và TP. Huế, không chỉ học sinh thuộc diện hộ nghèo, mồ côi... mà ngay cả những em không có khả năng mua sách trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ. Các công ty ở Huế đã hỗ trợ học sinh ở Nam Đông và A Lưới, mỗi huyện 500 bộ SGK. Trong dịp hè vừa qua, hưởng ứng chương trình “Cùng em đến trường”, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Phú Vang phối hợp với LĐLĐ huyện tổ chức chương trình tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường: Mầm non Phú Mỹ, tiểu học Phú Mỹ 1; tiểu học Phú Đa 1, THCS Vinh Hà, THCS Vinh Xuân. Tại mỗi điểm thăm, đoàn đã trao những bộ SGK và vở cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi, tổng giá trị hơn 15 triệu đồng.
Từ Trường tiểu học Quảng Phú 1 (Quảng Điền), cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Loan thường xuyên cập nhật như một cách báo tin vui. Theo cô Loan, vào đầu năm học mới này, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm tặng 50 suất quà cho học sinh gặp khó khăn, bao gồm cặp sách, áo quần và đồ dùng học tập. Cũng theo cô Loan, cuối năm học vừa qua, thông qua sự vận động đóng góp, nhà trường cũng đã tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn SGK để các em có thể yên tâm đến trường trong ngày tựu trường.
Có dịp về nhiều trường học trước thềm năm học mới, chúng tôi có nhiều tiếp xúc với nhiều bậc phụ huynh. Mọi chuyện không dễ dàng như bao người có điều kiện kinh tế khá giả vẫn nghĩ. Cùng với trang phục, đồ dùng học tập, rồi tiếp nữa là các khoản học phí, SGK là một khoản chi phí cần thiết trong hành trang đến trường của các em học sinh. Chị Nguyễn Thị Mỹ, một nông dân khó khăn ở Nam Đông tâm sự, chị đã xoay sở nhưng vẫn không đủ tiền để mua sắm sách vở, quần áo… cho các con. May nhờ có sự hỗ trợ!
Cần sự chung tay
Đã bước sang năm thứ 3 của chương trình GDPT mới, SGK mới không còn quá xa lạ và bất ngờ đối với phụ huynh và học sinh. Vấn đề là giá cả, nếu so với giá bộ SGK hiện hành thì giá SGK mới của lớp 3, lớp 7, lớp 10 của chính Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng năm học tới đều tăng cao, có giá cao gấp 2 - 3 lần. Giá SGK mới làm dư luận lo lắng, cần có những biện pháp để giảm giá SGK, vấn đề đặt ra là không để học sinh nhà nghèo gặp khó khăn. Và mới đây, Bộ GD&ĐT ký ban hành công văn gửi giám đốc các sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học, nhấn mạnh không để học sinh thiếu SGK.
Đi tìm giải pháp mang tính căn cơ trong việc giải quyết khó khăn về SGK, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải rốt ráo để sớm báo cáo Chính phủ quyết định việc trích ngân sách Nhà nước mua SGK, đưa vào thư viện trường học dùng chung.
Từ thực tiễn ở Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành giáo dục và đào tạo đã và đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí hoặc mua SGK tặng cho các thư viện trường học, để học sinh nếu chưa có điều kiện sở hữu có thể mượn sách học, không để học sinh thiếu sách đến trường. Các trường cũng đang tìm nguồn kinh phí để xây dựng tủ SGK trong trường học, đề phòng trường hợp phụ huynh không có khả năng mua SGK cho con. Nhiều địa phương bố trí ngân sách trang cấp SGK cho các thư viện để học sinh có thể mượn học.
Chương trình SGK mới được đánh giá là kiến thức phong phú, khoa học, song các trường vẫn còn băn khoăn khi trang, thiết bị dạy học, máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vẫn hạn chế. Với những trường vùng khó khăn, nhiều điểm trường lẻ, có nơi không có mạng internet, không thể ứng dụng công nghệ thông tin, không tận dụng được những kênh hỗ trợ của sách mới để giảng dạy, nếu “dạy chay, học chay” thì hiệu quả giảng dạy SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không cao.
Lường trước những khó khăn của các địa phương, ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các trường có thống kê cụ thể những trang, thiết bị cần được đầu tư để có phương án trang cấp kịp thời, đảm bảo chương trình học cho học sinh đầu cấp. Chỉ tính riêng A Lưới, năm học này đã được hỗ trợ trên 7 tỷ đồng để đầu tư sắm 131 máy vi tính để phục vụ trong năm học mới. Chuyện SGK, do vậy không dừng lại ở mua sắm một vài bộ sách đơn lẻ mà nhiệm vụ giáo dục chung, đã và đang cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Bài, ảnh: ĐAN DUY