Tối ngày 26/8 theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với tư cách là Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Nghị sĩ Rt Hon Liz Truss (Elizabeth Mary Truss), Bộ trưởng Ngoại giao Thương mại quốc tế Vương quốc Anh đã đồng đăng cai tổ chức Đối thoại trực tuyến hợp tác kinh tế ASEAN-Vương quốc Anh.
Đối thoại là một diễn đàn trong đó các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, cùng với Ngoại trưởng Anh, thảo luận về hợp tác kinh tế ASEAN-Vương quốc Anh, tìm cách giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 và mang lại tăng trưởng trong sạch và bền vững.
Trước đó, Chính phủ Anh đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Động thái này là bước đi mới nhất của Bộ Ngoại giao Anh nhằm thắt chặt mối quan hệ sâu sắc hơn với các khối bên ngoài khu vực hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Anh thuộc top 10 nhà đầu tư lớn tại ASEAN
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết: “Tôi rất vinh dự được đồng chủ trì cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên giữa Anh và khối ASEAN. Chúng tôi đã thảo luận về việc xây dựng một khuôn khổ cho sự hợp tác kinh tế trong tương lai. Anh mong muốn có thể tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác với khu vực ASEAN, tiếp nối mối quan hệ đối tác mà chúng ta đã có trong hơn 40 năm qua. Cuộc khủng hoảng hiện nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng hơn bao giờ hết của sự hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp cho những thách thức toàn cầu".
Tại cuộc đối thoại, hai bên nhất trí ghi nhận mối quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Vương quốc Anh cũng như nhận thấy rằng quan hệ kinh tế giữa hai bên đã và đang phát triển ngày càng sâu rộng với giao dịch thương mại và dịch vụ song phương đạt xấp xỉ 42.000 tỷ bảng Anh trong thời gian hơn nửa thế kỷ qua. Vương quốc Anh hiện nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực này hàng năm. Do vậy, thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác để nắm bắt các cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy công ăn, việc làm và tăng cường kết nối ASEAN- Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh ủng hộ các tham vọng kinh tế của ASEAN và cam kết tăng cường khả năng phục hồi của khu vực trước tác động của Covid-19. Cùng với quan điểm được nêu trong Kế hoạch Hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Truss nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại tự do và chuỗi cung ứng linh hoạt đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu khi khủng hoảng kết thúc.
Trao đổi về tác động của đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng và các bài học kinh nghiệm để phát triển khả năng phục hồi trong tương lai, Vương quốc Anh cam kết sẽ làm việc với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Nam Á (ERIA) để nghiên cứu giúp tăng cường các chuỗi cung ứng của Anh-ASEAN, nhằm hiểu rõ hơn về khả năng phục hồi và xác định các giải pháp tăng cường các chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hỗ trợ cơ sở hạ tầng bền vững cho tăng trưởng trong khu vực
Vương quốc Anh và ASEAN nhất trí rằng tình hình kinh tế hiện tại là cơ hội để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn và bền vững hơn, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trước hội nghị của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm tới. Bộ trưởng Truss đã nhấn mạnh những cơ hội mà các quốc gia có thể tận dụng khi áp dụng kinh tế các-bon thấp nhằm ứng phó với Covid-19. Bộ trưởng khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và các phương pháp tiếp cận để kích thích tăng trưởng xanh như một phần của các kế hoạch phục hồi kinh tế rộng lớn hơn.
Vương quốc Anh đề nghị hợp tác nhiều hơn nữa với khu vực ASEAN trong các kế hoạch khai thác các cơ hội tăng trưởng các-bon thấp và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và lâu dài nhằm thúc đẩy kết nối trong khu vực, phù hợp với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025.
Vương quốc Anh đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để phát triển hệ thống tài chính xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn khu vực ASEAN, bao gồm thông qua chương trình Năng lượng carbon thấp của Quỹ Thịnh vượng với nguồn tài trợ 15 triệu bảng Anh và Quỹ Thách thức phục hồi xanh toàn cầu với quy mô 12 triệu bảng Anh.
Bên cạnh việc trao đổi về phục hồi sau Covid-19, Vương quốc Anh cũng đề xuất các lĩnh vực hợp tác kinh tế Anh-ASEAN trong tương lai, bao gồm cả việc tăng cường đổi mới công nghệ để giúp các doanh nghiệp trong khu vực tìm được chỗ đứng trong nền kinh tế số đang phát triển.
“Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN tới năm 2025” là cơ sở để ASEAN đưa ra kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Theo đó, Vương quốc Anh đã thành lập Quỹ tài trợ cho chương trình cải tổ kinh tế của ASEAN, với tổng giá trị 19 triệu bảng Anh, tập trung vào các lĩnh vực như: sáng tạo số, logictics và cải tổ cơ chế chính sách...
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi Đối thoại Kinh tế Anh-ASEAN đã diễn ra trong năm 2020 - năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và kỉ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Vương quốc Anh và ASEAN có một mối quan hệ sâu sắc và đa dạng. Chúng tôi cam kết sẽ đưa quan hệ ngoại giao này lên một tầm cao mới. Cuộc đối thoại hôm nay là một cơ hội quan trọng để thảo luận về cách giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế, bảo vệ các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng, và dựng xây nên một tương lai xanh và bền vững." |
Thảo Miên