2014 - năm "đáng sợ" của vàng?ávàngsẽbiếnđộngkhólườngtrongnăbxh hạng 4 anh
Những ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ, "phố vàng" Trần Nhân Tông, Hà Trung… vẫn khá lặng lẽ dù giá vàng đang ở mức hấp dẫn, trái với cảnh tấp nập mấy năm về trước. Cũng phải, bởi năm 2013 được xem là năm "đại bại" của vàng, không chỉ mất giá tới 25%, đứng ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, vàng còn bị các nhà đầu tư "lạnh nhạt".
Bước sang năm 2014, triển vọng của vàng vẫn khá u ám. Theo đánh giá của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đưa ra mới đây, vàng sẽ tiếp tục giảm ở mức 2 con số trong năm 2014.
Đối với thị trường vàng trong nước, rủi ro còn cao hơn, không chỉ bởi biến động của giá thế giới, mà còn do giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, sau nhiều năm đứng đầu về thanh khoản và lợi nhuận, vàng đang trở nên kém hấp dẫn. Trong trung và dài hạn, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm theo giá vàng thế giới. "Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ vàng. Theo tôi, đó là giải pháp khôn ngoan, bởi chưa có cơ sở nào cho giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2014", ông Hiếu nhận định.
Tất nhiên, không phải chuyên gia, nhà đầu tư nào cũng bi quan với vàng. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, giá vàng vẫn có triển vọng tăng trong năm 2014, không loại trừ trở lại ngưỡng 1.300 USD/ounce. Nói cách khác, vàng vẫn là kênh đầu tư không thể bỏ qua với nhà đầu tư.
Việc giá vàng liên tục bật tăng trong tháng đầu tiên của năm 2014 cho thấy, thị trường vàng năm nay sẽ rất kịch tính, mọi dự báo đều có thể xảy ra.
Sóng vàng không còn làm chao đảo nền kinh tế
Nhận định về thị trường vàng năm 2014, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Không có gì đáng ngại".
Không đáng ngại, bởi hơn một năm qua, chính sách quản lý vàng của NHNN đã biến vàng từ phương tiện thanh toán, công cụ đầu cơ thành một hàng hóa đơn thuần. Nhờ đó, những biến động của vàng không còn gây ảnh hưởng tới tỷ giá, không còn gây chao đảo cả nền kinh tế vĩ mô.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nhận định, tính đến hết năm 2013, NHNN đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng, không còn các cơn sốt về giá vàng và tỷ giá như trước. Bên cạnh, cơ quan này cũng đã chấm dứt hẳn tình trạng vàng hóa trong hệ thống ngân hàng, loại bỏ được một nguy cơ rủi ro lớn của hệ thống.
Nhìn lại thị trường vàng sau hai năm "chiến đấu", Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ: "Nếu đống vàng kia vẫn chưa được đẩy ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại thì đến giờ chúng ta không vui được thế này đâu. Còn đến nay thì vàng lên, vàng xuống thế nào cũng không sao cả. Mọi rủi ro của vàng không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống nữa".
Tất nhiên, những nhiệm vụ trước mắt của NHNN còn rất nặng nề mà một trong những nhiệm vụ là quản lý vàng một cách thị trường hơn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới.
Đưa vàng ống bơ ra khỏi gầm giường
Ngoài biến động giá vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng thì làm thế nào huy động được lượng vàng lớn trong dân được dự báo sẽ là một trong những "kịch tính" lớn nhất của thị trường vàng năm 2014.
Theo ước tính của NHNN, số lượng vàng trong dân có khoảng 300 - 500 tấn. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng thống kê chưa đầy đủ, dựa vào số liệu xuất nhập khẩu vàng mấy năm gần đây của Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu tính lượng vàng mà người dân đã tích lũy từ nhiều năm trước, số vàng tích trữ trong dân có thể lên tới 1.000 tấn vàng. Đây là nguồn lực lớn của đất nước đang bị chôn cứng, rất lãng phí.
Thực ra, câu chuyện huy động vàng trong dân không phải là vấn đề mới, song đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ này, cho thấy việc đưa nguồn vốn "chết" này vào sản xuất là không thể chậm trễ.
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, điều kiện tiên quyết để huy động vàng là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Trước đây, khả năng huy động vàng trong dân là rất khó do kinh tế vĩ mô bất ổn, vàng có mối liên hệ mật thiết với tỷ giá, với kinh tế vĩ mô. Song hiện nay, kinh tế vĩ mô đã ổn định, biến động của vàng không còn tác động bất ổn tới kinh tế vĩ mô. Có nghĩa là, thời điểm thích hợp để huy động vàng trong dân đã tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nên phát hành chứng chỉ gửi vàng, đồng thời quy định người dân không được rút vàng trước hạn. NHNN có thể trực tiếp hoặc giao các ngân hàng thương mại lớn thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Số vàng huy động sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng hay tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Khi nhận chứng chỉ, phải áp dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro để tránh "vỡ nợ" khi người dân đáo hạn chứng chỉ.
Thị trường kỳ vọng năm 2014, NHNN sẽ có những chuyển biến hơn trong điều hành để thị trường vàng không chỉ vận hành trơn tru, mà còn đóng góp hữu ích cho nền kinh tế.
TheoTNCK |