(CMO) Hạ tầng giao thông nông thôn được tập trung thực hiện với nhiều dự án lớn đang triển khai xây dựng, nâng cấp… Mặc dù những công việc đã làm được từ đầu năm đến nay khá lớn và dự kiến từ đạt đến vượt chỉ tiêu đề ra, thế nhưng, hạ tầng giao thông luôn là vấn đề nhiều cử tri quan tâm qua các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND.Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn chế, nhưng từ đầu năm đến nay, bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh xây dựng được trên 309 km lộ bê-tông nông thôn và 250 km lộ đất đen, tổng kinh phí trên 162,6 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều dự án quan trọng được đánh giá sẽ tạo chuyển biến tích cực cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Tiêu biểu như dự án nâng cấp Quốc lộ 63, đoạn qua khu vực TP Cà Mau, dự án bờ Nam sông Ông Đốc nối ra Quốc lộ 1, từ Rau Dừa - Rạch Ráng - Sông Đốc, tuyến Tắc Thủ - vàm Đá Bạc. Ngoài ra, vào cuối năm nay, người dân xã Hiệp Tùng (Năm Căn), Tân Ân (Ngọc Hiển) và Quách Phẩm (Đầm Dơi) sẽ có thêm niềm vui khi trục lộ về trung tâm xã hoàn thành đưa vào hoạt động. Nhiều trục chính quá tải, xuống cấp Không chỉ vậy, công tác quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông nông thôn được các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp thực hiện. Từ đó, đã khắc phục được tình trạng sụp lún cũng như duy tu sửa chữa những tuyến đường xuống cấp, hư hỏng. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đặt ra, nhất là giao thông nông thôn. Tình trạng đường xuống cấp, sụp lún vẫn còn diễn ra nhiều nơi, chưa được khắc phục kịp thời.
Cầu Cái Trăng, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn là một trong những công trình khiến nhiều cử tri bức xúc nhất. Cầu do một sà lan va chạm làm sập, nhưng đến nay gần 1 năm vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương và học tập của người dân. Cử tri Trần Văn Thái kiến nghị, các ngành chức năng cần sớm khắc phục, bởi hiện tại việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vận chuyển hàng hoá phục vụ cho hoạt động mua bán tại chợ… Trước những bức xúc đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 9471/UBND-XD ngày 30/11/2017 chỉ đạo Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư khắc phục tạm thời 2 nhịp sập, đảm bảo lưu thông xe ô-tô trước Tết Nguyên đán năm 2018.
Tuyến đường Tắc Thủ - Sông Đốc, dù hằng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện duy tu, sửa chữa, nhưng do kinh phí còn hạn chế nên chỉ tiến hành được đối với những đoạn hư hỏng nặng, mang tính bức xúc cao và thực hiện mở rộng mặt cầu, tăng cường tải trọng đối với những cầu hẹp, cầu yếu trên tuyến. Còn lại nhiều cầu cống và đoạn hẹp chưa thể đáp ứng so với lưu lượng giao thông trên tuyến đường này ngày một tăng cao. Hay như tuyến đường về huyện Đầm Dơi hiện nay cũng đang có nhu cầu bức xúc cần được nâng cấp. Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi Võ Thanh Tòng chia sẻ, kể từ khi cầu Hoà Trung thông xe đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Tuy nhiên, là huyện có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh, lưu lượng xe khá lớn khiến tuyến đường về huyện hiện đang xuống cấp và trở nên quá tải. Chia sẻ cùng tỉnh những khó khăn về kinh phí hiện nay, nhưng Nhân dân Đầm Dơi cũng mong tỉnh sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường này, tạo động lực cho huyện phát triển. Cần sự chung sức của người dân Khi nói về tình trạng sạt lở, sụp lún các công trình nói chung và giao thông nông thôn nói riêng, ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận định, sự chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa tốt. Do đó, triều cường, nước biển dâng làm ảnh hưởng lớn đến giao thông nông thôn. “Ngay cả những xã đạt chuẩn nông thôn mới, tình trạng sụp lún, hư hỏng lộ giao thông nông thôn diễn ra rất nhiều”, ông Thành nói.
Liên quan đến tình trạng xuống cấp của các tuyến lộ từ xã về ấp, ấp liền ấp, ông Thành cho biết, một số địa phương người dân tham gia bảo quản, duy tu, sửa chữa rất tốt. Điển hình như huyện Cái Nước, có một cụ bà đã hơn 70 tuổi, lương hưu không bao nhiêu nhưng lại tự nguyện lấy tiền đó mua cát, xi-măng rồi tự đi vá những chỗ bị bong tróc, hư hỏng. Nếu ngươi dân đều có ý thức như vậy thì lộ giao thông có lẽ không xuống cấp như hiện nay. Ông Thành cũng chia sẻ, Nhà nước đã bỏ tiền để xây dựng thì việc giữ gìn phải là trách nhiệm của người dân địa phương. Tại diễn đàn Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khoá IX, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng nhận định, việc nâng cấp, sửa chữa những tuyến đường còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu do kinh phí hạn chế. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh cần sự chung sức của người dân, nhất là các tuyến lộ nông thôn. Chỉ tính riêng nguồn vốn để duy tu đường trên địa bàn tỉnh năm 2017, UBND đã dành gần 15 tỷ đồng nhưng không thấm vào đâu. Hiện nay, các tuyến đường từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã qua mùa mưa vừa rồi cùng với triều cường dâng đã hư hỏng rất nhiều nhưng không có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. “Để sửa chữa hết toàn bộ các trục đường này phải cần đến trên 300 tỷ đồng, đây là khoản kinh phí ngoài khả năng cân đối ngân sách của tỉnh”, ông Nguyễn Tiến Hải trăn trở Nguyễn Phú |