Xung đột kéo dài đã khiến hàng triệu người ở Yemen cần phải hỗ trợ y tế khẩn cấp. Bệnh nhân bị thương do xung đột được điều trị tại bệnh viện ở Saada,ảnhbokhủnghoảngytếtạkqbd hoffenheim Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo xung đột vũ trang kéo dài ở Yemen đã làm tê liệt nghiêm trọng hệ thống y tế của nước này, khiến 17,8 triệu người dân nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm 2024 cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và hỗ trợ y tế. Trong số này, phụ nữ chiếm 24% và đang rất cần các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, 50% là trẻ em, với hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi cần điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Ngoài ra, 10% số trẻ nhỏ này đang gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế. Trong bối cảnh xung đột vũ trang diễn ra tại Yemen, các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét và sởi cũng gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Trước đó, WHO cũng đã từng cảnh báo, trẻ em Yemen đặc biệt có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao và dễ mắc các bệnh như bại liệt, sởi, ho gà và bạch hầu. Yemen đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với hàng trăm ngàn người thiệt mạng do xung đột bùng phát kể từ năm 2014. Nhiều người đã thiệt mạng do xung đột và cả những nguyên nhân liên quan tới xung đột, trong đó có thiếu lương thực, chăm sóc y tế. Liên Hiệp Quốc coi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới. Đáng quan ngại hơn, việc “ăn miếng trả miếng” bằng tên lửa giữa lực lượng Houthi ở Yemen và liên quân quốc tế đã làm số người thương vong tăng lên, đẩy Yemen vào khốn khó hơn. Mới đây, lực lượng Houthi tuyên bố phóng tên lửa vào một tàu Anh, hai tàu Israel trong loạt vụ tập kích mới nhằm vào tuyến hàng hải ở Biển Đỏ. Theo đó, lực lượng này đã thực hiện 5 đợt tấn công trong vòng 72 giờ, bao gồm các vụ phóng tên lửa vào tàu hàng Hope Island của Anh, cùng hai tàu MSC Grace F và MSC Gina của Israel ở Biển Đỏ. Theo các trang web theo dõi hàng hải, tàu Hope Island treo cờ Quần đảo Marshall và xuất hiện tại Biển Đỏ từ hôm 5-4, trong khi hai tàu MSC Grace F và MSC Gina treo cờ Panama. Lần cuối vị trí của MSC Gina được cập nhật là ở Vịnh Aden. Lực lượng Houthi liên tục phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tập kích tàu hàng, tàu chiến ở Biển Đỏ và Vịnh Aden từ tháng 11-2023, nhằm thể hiện đoàn kết với người dân Palestine sau khi Israel đưa quân vào Dải Gaza để “xóa sổ tận gốc rễ” nhóm vũ trang Hamas. Houthi và Hamas là các thành viên trong “trục kháng chiến” do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông nhằm chống lại Israel và Mỹ. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết đã phá hủy 1 hệ thống tên lửa đất đối không di động của lực lượng Houthi trong ngày 6-4 và bắn hạ 1 thiết bị bay không người lái trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, không có thương vong hoặc thiệt hại nào được ghi nhận. Thời gian qua, liên quân Mỹ - Anh và Houthi liên tục có các cuộc tấn công lẫn nhau ở khu vực Biển Đỏ. Tình trạng trên đã khiến căng thẳng ở khu vực này tăng cao, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải. Bất ổn an ninh ở Biển Đỏ đã buộc nhiều hãng vận tải biển tạm ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng sang tuyến đường biển dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Tuy nhiên, việc tấn công lẫn nhau bằng tên lửa giữa Houthi ở Yemen và liên quân Mỹ - Anh vẫn chưa có hồi kết vì những bất đồng chưa có tiếng nói chung. Điều này đã khiến Yemen, một quốc gia vốn đã nghèo vì nội chiến triền miên nay càng khó khăn hơn khi phải đối diện với tấn công của lực lượng bên ngoài. HN tổng hợp |