Tại Việt Nam, với chủ trương đẩy mạnh ứng dựng công nghệ lưu trữ cho năng lượng tái tạo và sản xuất pin cho xe điện, nhu cầu sử dụng niken trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Với nguồn tài nguyên niken sẵn có, để tạo điều kiện cho ngành phát triển, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nguyên liệu cần có một cơ chế đặc thù.
Chủ trương đã có Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25 tháng 7 năm 2018 (trong đó có quặng niken) theo Quyết định số 910/QĐ-TTg. Tổng trữ lượng và tài nguyên niken của Việt Nam hiện ước tính khoảng 3,6 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La và Cao Bằng. Theo ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên Môi trường, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 910/QĐ-TTg, có 01 mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) cho Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc đã đầu tư bài bản, đồng bộ công nghệ, thiết bị từ khâu khai thác đến xây dựng nhà máy tuyển quặng niken, và hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn đầu. Và hiện đã đệ trình hồ sơ xin gia hạn cấp Giấy phép khai thác lên bộ Tài nguyên và Môi trường . “Ngoài ra, Bộ đã cấp Giấy phép thăm dò mở rộng quặng niken - đồng tại khu Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc với diện tích thăm dò là 34,74 km2. Hiện tại, công ty đang tập trung triển khai theo Đề án để trình phê duyệt trữ lượng bổ sung cho Nhà máy chế biến” – ông Thanh cho biết thêm. Ông Scott Williamson, Tổng Giám đốc Blackstone Minerals - đơn vị hợp tác với công ty Bản Phúc đưa ra nhận định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành quốc gia chủ chốt trong thị trường niken vì chất lượng của trữ lượng nikel sẵn có, cũng như từ địa chất tổng thể. Hiện Blackstone đang hợp tác khai thác quặng niken ở huyện Bắc Yên, nhưng phần lớn khu vực này vẫn chưa được khám phá hết do thiếu những hoạt động thăm dò chuyên dụng để đánh giá và khai thác tiềm năng thực sự của nó. Mọi hoạt động của Blackstone tại Bản Phúc đều sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, công ty cũng làm tốt công tác bảo vệ môi trường bằng cách trồng rừng, không xâm phạm thiên nhiên. Đuôi quặng và các chất thải sẽ được chứa vào những khu được thiết kế và xây dựng thích hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Lợi ích là vậy nhưng cũng giống như bất kỳ ngành khai khoáng nào, để tạo ra một sản phẩm thương mại cần rất nhiều thời gian từ công tác nghiên cứu, thăm dò, khai thác, chế biến thô, tinh, đi liền với nó là vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, công tác quản lý, hậu cần…
Vẫn còn nhiều khó khăn Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc cho biết: “Mặc dù đang áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như EM (trường chuyển) và IP (phân cực kích thích) để khoan thăm dò ở độ sâu 700m đến 1.000 m, nhưng quặng nikel ở Bản Phúc có hàm lượng thấp đang là một thách thức trong công việc tuyển khoáng. Hiện, chúng tôi đang sử dụng các công nghệ hiện đại để xử lý vấn đề này. Để tránh lãng phí, chúng tôi đã và đang làm việc với các công ty công nghệ chế biến tiên tiến trên thế giới nhằm cải thiện tỷ lệ thu hồi niken từ các loại quặng thông thường có hàm lượng kim loại thấp, nhưng để làm được điều này cần vốn và thời gian.” Theo kế hoạch hợp tác, Blackstone sẽ triển khai 2 dự án tại Việt Nam bao gồm dự án thượng nguồn (chế biến nông) với những hoạt động thăm dò khai thác và tuyển nổi ra tinh quặng niken tại xã Bản Phúc, huyện Bắc Yên (Sơn La). Và giai đoạn hạ nguồn (tinh luyện) sẽ bao gồm việc chế biến sâu quặng niken tại xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. “Mặc dù đã được các cấp chính quyền hỗ trợ nhưng với khối lượng công việc nhiều, thời gian cho công tác chuẩn bị để kịp đáp ứng các điều kiện, đảm bảo được cấp các giấy phép cần thiết trước khi xây dựng nhà máy chế biến cũng đang là một thách thức lớn với chúng tôi” – ông Quang cho biết thêm. Để đáp ứng cho nhu cầu niken cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Vinfast, LG và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hoá chất, cũng như các lợi ích về kinh tế- xã hội khác, theo ông Quang Nhà nước cần quan tâm, xem xét và đưa ra những cơ chế đặc thù.
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Theo ông Lại Hồng Thanh, trong Quyết định 910/QĐ-TTg cũng đã đưa ra quan điểm rõ ràng về quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng niken. Theo đó, việc phát triển các dự án phải đủ lớn về quy mô; áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, sử dụng tổng hợp và tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với các cơ sở, dự án chế biến sâu, thậm chí có thể phải nhập khẩu quặng niken để chế biến. Mới đây, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nêu rõ định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản, mỏ phức tạp như quặng nikel, đó là “điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất - mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém”. Đối với Blackstone mục tiêu trong ngắn hạn là đẩy mạnh thăm dò, khai thác quặng tại Bản Phúc còn về lâu dài sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tiền chất niken cho ngành sản xuất pin, đồng thời đầu tư dây chuyền sản xuất có khả năng tái chế niken thân thiện với môi trường. Blackstone cũng mong muốn hợp tác và tìm hiểu các cơ hội khác cho các mỏ niken ở Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng chính quyền các cấp tiếp tục ủng hộ cho dự án khai thác của Công ty và đẩy nhanh các thủ tục hành chính trong quá trình Công ty xin cấp phép khai thác, thăm dò để thực hiện các hoạt động khai thác niken tại Việt Nam”, ông Quang chia sẻ thêm.
|