Tôi đã hai lần xem phim Bao giờ cho đến tháng 10 (BGCĐT10). Lần nào cũng xúc động rưng rưng. Tôi cũng đã đọc Hồi ký điện ảnh của ĐNM nên biết rất rõ sự ra đời khá vất vả của bộ phim danh giá này. Truyện BGCĐ10 dài 66 trang in khổ 13 x 20,ờchođếnthángTruyệnhayhơkết quả bóng đá vô địch indonesia5 cm. Quả thật, đây là truyện vừa rất hay, đã được công bố từ lâu Chất liệu văn học được tác giả dụng công tìm kiếm trong truyện đã làm nên chiều sâu cho bộ phim cùng tên. Mở đầu truyện là cảnh Duyên về làng sau chuyến vào Nam thăm chồng. Chồng chị đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng vớt chị lên. Khang cũng vớt được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết cái tin này. Tờ giấy báo tử ấy là đầu mối dẫn câu chuyện đi vào cõi tâm linh huyền ảo. Duyên lại muốn giấu tin dữ, không muốn làm cho bố chồng già yếu đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người thân trong gia đình chồng. Cảm động trước sự hy sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may, bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối giục cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ xe bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại... Truyện BGCĐT10 tóm tắt là thế. Nhưng ĐNM đã làm cho người đọc nhiều lần thổn thức với những giấc mơ của Duyên. Duyên nhiều lần gặp chồng trong mơ, lần nào cũng nghẹn ngào, đau đớn. Viết về chiến tranh, ĐNM không theo lệ thường là tả cảnh bom rơi, đạn nổ. Qua giấc mơ của Duyên, anh sáng tạo nên một hình tượng chiến tranh cổ điển mà đậm tính huyền ảo. Đêm chợ âm-dương có lẽ là đêm Duyên gặp chồng được lâu nhất. Vị Thành hoàng làng đưa Duyên đi giữa những người trong chợ tìm chồng. Anh chìa tay ra, cô nắm lấy bàn tay anh. Anh đưa cô len lỏi qua đông người bên sông. Trong phiên chợ tâm linh dân gian này, có đoạn đối thoại giữa vợ chồng Duyên rất thẳm sâu và ám ảnh: “…- Anh có muốn dặn dò gì em không? Người chồng vẫn im lặng nhìn ra sông phía trước. - Sao anh im lặng thế? Duyên hỏi tiếp:- Hay anh có điều gì oan ức? - Người chồng lắc đầu: - Anh không có điều gì oan ức cả - Vậy sao anh buồn? - Anh muốn những người còn sống được hạnh phúc - Hạnh phúc? Duyên hỏi lại chồng. Người chồng gật đầu: - Chỉ có những người còn sống mới làm được điều đó. Anh không làm gì được nữa. Anh đã làm xong phần việc của mình rồi. - Không. Anh vẫn còn sống, lúc nào em cũng nhìn thấy anh ở bên cạnh-Duyên nói một cách sôi nổi - Người chồng lắc đầu: - Cái còn lại mãi mãi là cái không nhìn thấy được….” Trong truyện BGCĐT10 có hai nhân vật rất đẹp. Đó là thầy giáo Khang và cô giáo Thơm. Khang và Thơm yêu nhau. Nhưng rồi Khang bày tỏ tình cảm với Duyên. Nhưng Khang bị đổi đi địa phương khác dạy. Thơm biết tất cả điều đó và nén đau khổ vì hiểu được tình yêu cao thượng của Khang. Cuối truyện, khi Duyên đưa con đến trường học và hỏi Thơm về thầy Khang, Thơm hứa khi có địa chỉ sẽ đưa cho Duyên ngay. Tác giả hạ câu kết thúc truyện:”Buổi lễ chào cờ bắt đầu như thường lệ. Thơm nắm tay Tuấn ngước nhìn lá cờ bay trên cao… Cô đưa tay gạt giọt nước mắt lăn trên má”. Đó là giọt nước mắt của tình người cao cả! Anh ĐNM bảo, các chi tiết hình ảnh xúc động nhất trong truyện BGCĐT10 đều lên phim cả. Nhưng khi xem phim, các hình ảnh lướt qua rất nhanh, không kịp đọng lại. Còn khi đọc sách thì hình ảnh bày ra trên giấy trắng mực đen, trong từng câu chữ, nên người đọc có cảm giác truyện hay hơn phim. Hay lời thoại, xem phim người ta không có thì giờ ngẫm nghĩ lời thoại vì nó thoáng qua rất nhanh. Con đường thành tựu suốt đời của ĐNM là từ truyện lên phim. Truyện là cái bắt đầu, là cái gốc của phim. Đó là một đặc điểm trong sáng tạo điện ảnh của ĐNM. Nhờ cái gốc văn chương ấy mà phim ĐNM luôn sâu đậm chất nhân văn, lay động lòng người, được thể giới công nhận. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Việt Nam phải phân tích làm rõ. Truyện ngắn ĐNM thường xuất hiện trên báo Văn Nghệ như Cô gái trên sông, Ngôi nhà xưa, Tin đồn, Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay; Trở về, Nước mắt khô... Truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của anh đã được giải 3 cuộc thi truyện ngắn năm 1980 của báo Văn Nghệ. Tháng 4 năm 2012 để kỷ niệm 10 năm đặt chi nhánh tại Hà Nội, NXB Trẻ đã in 10 đầu sách của 10 nhà văn Hà Nội: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu v.v....và ĐNM với tuyển tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa. Nhiều truyện ngắn, truyện dài được anh chuyển thể thành những bộ phim ám ảnh người xem như Cô gái trên sông, BGCĐT10, Thị xã trong tầm tay, Ngôi nhà xưa (phim Mùa ổi)... Như vậy, ngoài là đạo diễn điện ảnh, ĐNM còn là một nhà văn, một nhà văn như tất cả các nhà văn Hà Nội có danh khác. NGÔ MINH |