Theo đánh giá của Chi cục Hải quan Ninh Bình, trong những tháng đầu năm, nhất là trong 3 tháng gần đây hoạt động XNK hàng hóa của các DN có hoạt động qua địa bàn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặt hàng NK trọng yếu qua địa bàn là linh kiện lắp ráp ô tô đã có sự sụt giảm rõ rệt do nhu cầu mua sắm tại thị trường trong nước giảm, dẫn đến lượng hàng hóa tồn kho của các DN khá lớn. Bên cạnh đó, sự sụt giảm cũng thể hiện rõ nhất khi nhiều DN phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho việc NK nguyên liệu da giày, dệt may; linh kiện điện tử… để phục vụ sản xuất cũng đình trệ. Trước tình hình đó, nhằm duy trì sự ổn định trong hoạt động thông quan hàng hóa, cùng DN vượt qua khó khăn, Hải quan Ninh Bình đã thực hiện linh hoạt các biện pháp hỗ trợ DN, đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Nhờ vậy, ở thời điểm hiện tại tình hình hoạt động XNK của các DN trên địa bàn quản lý có dấu hiệu tăng về số lượng tờ khai tới 24%, tuy nhiên về trị giá lại giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê từ Chi cục Hải quan Ninh Bình cho thấy, 9 tháng đầu năm đơn vị vẫn tiếp nhận và làm thủ tục đạt 55.818 bộ tờ khai, tăng 23,75 so với cùng kỳ cho 259 DN đăng ký làm thủ tục qua địa bàn với tổng kim ngạch XNK đạt 3.774 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng XNK chủ yếu là sản phẩm mây tre, cói; hàng dệt may; giày, dép; dứa đóng lọ; khoáng sản qua chế biến; linh kiện điện tử, máy móc thiết bị NK tạo tài sản cố định, phục vụ sản xuất, kinh doanh; nguyên phụ liệu may; hạt nhựa; gỗ nguyên liệu; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập gửi kho ngoại quan; linh kiện ô tô NK phục vụ sản xuất lắp sản xuất ô tô; nguyên liệu, vật tư sản xuất linh kiện lắp ráp ô tô theo chương trình ưu đãi công nghiệp hỗ trợ ô tô… Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng tính đến hết ngày 25/9, đơn vị đã thu nộp NSNN gần 4.800 tỷ đồng, đạt trên 71% chỉ tiêu được giao. Theo ông Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của các cấp, Hải quan Ninh Bình đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa tại địa bàn quản lý. Trong đó, nêu cao phương châm “đồng hành với DN vượt khó”, đơn vị đã cử CBCC trực tiếp hướng dẫn DN kê khai thủ tục hải quan, kịp thời xử lý vướng mắc, không để DN phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục. Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng DN hoạt động XNK hàng hóa, qua đó, thu hút thêm nhiều DN thực hiện XNK hàng hóa qua Chi cục Hải quan Ninh Bình. Đồng thời, Hải quan Ninh Bình đã và đang tiếp tục triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK trao đổi hàng hóa; thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác quản lý và chống thất thu thuế… Cũng theo đại diện Chi cục Hải quan Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình là một trong số ít các tỉnh thành không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng trong vòng gần 1 tháng qua. Do đó, dự báo trong tháng 10 hoạt động XNK sẽ có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Do đó, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch song song với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động XNK trên địa bàn. Đặc biệt, ông Lê Thanh Hải cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại để thống nhất các giải pháp trao đổi thông tin, đầu tư hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ quản lý thu thuế, tạo thuận lợi cho các DN thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong nộp thuế. Bên cạnh đó, chủ động làm việc với các DN có kim ngạch XNK, có số thu ngân sách lớn trên địa bàn quản lý, để nắm bắt khó khăn, trao đổi thông tin, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN qua đó nắm bắt được dự kiến số thuế sẽ nộp trong năm của từng DN cụ thể. Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thu hồi thuế nợ đọng như tuyên truyền, vận động DN chấp hành nghiêm túc, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thuế; triển khai các giải pháp quản lý và xử lý nợ theo quy trình quản lý nợ. Trên cơ sở chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được giao, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đôn đốc thuế, duy trì tổ đôn đốc thu hồi nợ thuế; rà soát, phân loại các DN nợ thuế để công tác thu hồi nợ có hiệu quả. (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ) |