Đối với những du khách tầm thường như chúng tôi vốn chỉ biết tới hoa ban,ươngtrongsươcác trận bóng đá ngoại hạng anh cơm lam và rượu ngô, chuyến công tác qua vùng cao Tây Bắc còn hơn một cuộc hành hương về biên cương Tổ quốc.
|
Bùi Thị Hương Giang, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai, khoe cuốn sổ thông hành dày đặc con dấu của hai nước, và nói: "Hầu như tuần nào bọn em cũng qua Trung Quốc đi chợ Hà Khẩu".
Chúng tôi đứng bên cầu biên giới, nhìn qua nước láng giềng khổng lồ phía bắc Việt Nam. Những dòng người thong thả qua lại, tay xách trĩu hàng. Cuộc chiến biên giới đã lùi xa, những ký ức đẫm máu chẳng hề đọng lại trong những người trẻ như Giang và bạn bè cô, vốn sinh ra sau thời điểm đó. Thành phố miền biên viễn nay san sát trụ sở, cửa hàng, nhà cao tầng, người người hối hả. Ô tô biển trắng nườm nượp dạo phố. Ga xe lửa chen chúc từng đoàn khách du lịch ngược xuôi. Những quán ăn sáng đèn thâu đêm văng vẳng tiếng nói cười, tiếng cụng ly mời rượu... Khó có thể tưởng tượng hơn 34 năm trước, nơi này hầu như đã bị hủy diệt hoàn toàn sau cuộc rút lui của quân xâm lược Trung Quốc.
Đó cũng là cảm giác của nhiều người khi đến vùng chiến địa khốc liệt gần 60 năm trước tại thành phố Điện Biên Phủ. Đồi A1, mà người Pháp gọi Eliane 2, là điểm hành hương khó người Việt nào có thể bỏ qua. Di tích ấn tượng nhất nơi đây là hố bộc phá khổng lồ từng thổi bay một đại đội lính lê dương, và sóng xung kích làm choáng váng đại bộ phận quân Pháp, mở đường cho bộ đội xung phong. 960 kg chất nổ đã được chuyển qua đường hầm mà quân ta đã miệt mài đào trong suốt 14 ngày, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung. Tuy nhiên, cũng như tại hầm chỉ huy của tướng Pháp Christian de Castries, nay được quây rào và lắp mái che trông như một kho chứa hàng, thật vất vả để du khách có thể hình dung diễn tiến bi hùng của trận đánh làm rung chuyển thế giới này.
Chiều đầu đông, Mường Thanh lặng thinh. Sương và khói hương lãng đãng từ bia tưởng niệm những người đã ngã xuống, vì Việt Nam. Mảnh đất này từ lâu đã im tiếng súng.
***Điện Biên Phủ là điểm khởi đầu và Lào Cai là nơi kết thúc chuyến đi qua các tỉnh biên giới Tây Bắc của chúng tôi. Đối với những người lần đầu qua vùng đất này, hành trình 280 km đã định nghĩa lại một loạt khái niệm.
Đường bộ, tức là đèo dốc liên miên bất tuyệt với những đoạn xóc nảy kinh người. Đèo, là những con đường hẹp ngoằn ngoèo giữa núi đá dựng đứng và vực sâu hun hút dài hàng trăm cây số. Sương, là một màu trắng sữa quánh đặc trong vài ba mét không nhìn thấy gì. Sông, là Đà giang mênh mang âm trầm hùng tráng. Ruộng lúa, là những bậc thang đầy mê hoặc thoai thoải bám theo sườn núi. Lái xe, là thiếu tá Lợi của Biên phòng Điện Biên hay thiếu úy Điệp của Biên phòng Lai Châu. Theo tôi, lính biên phòng vùng biên cương phía bắc là những tay lái giỏi nhất Việt Nam. Lạnh lùng và nhẹ nhàng, các anh hầu như không giảm chân ga ngay ở những "cùi chỏ" hiểm trở nhất, trong khi khách miền xuôi toát hết mồ hôi bất chấp nhiệt độ bên ngoài chỉ trên dưới 10 độ C.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai
Và núi, là Hoàng Liên Sơn, là dãy Sông Mã trập trùng kỳ vĩ. Những ông khổng lồ nối liền trời - đất ở vùng cao phía bắc Việt Nam đã đè bẹp mọi khái niệm về núi ở tất cả các tỉnh thành khác trong nước. Wytze Heida, kỹ sư nông nghiệp người Hà Lan đang làm việc cho một hãng sữa lớn, từng nói với tôi rằng "bi kịch" lớn nhất của đất nước anh là... không có núi. Chính vì vậy, 90% người Hà Lan du lịch Việt Nam đã tìm đến Tây Bắc. Con số nêu trên chưa hẳn chính xác, nhưng ở vùng đất này, không khó để bắt gặp hình ảnh các ông Tây ngửa đầu sững sờ ngắm núi. Núi đã trở thành biểu tượng số một và thiêng liêng, là nơi cư trú, che chở cho đồng bào các dân tộc Thái, H'Mông, Dao, Mường, Tày, Nùng... Núi rừng Tây Bắc từ ngàn năm qua đã như một trường thành không bao giờ sụp đổ góp phần chặn bước tiến quân xâm lược. Núi là nơi dân và quân nước Việt bất kể các sắc tộc siết chặt tay nhau, xuất kỳ bất ý giáng cho kẻ thù những đòn chí mạng.
***Từ Lai Châu theo quốc lộ 4D, qua đường đèo Bình Lư đẹp ngộp thở và hung hiểm đến dựng tóc gáy, ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, là đến Sa Pa.
Năm 1918, người Pháp đã xây dựng những biệt thự đầu tiên và từng bước biến vùng đất ở lưng chừng núi Lô Suây Tông thành một viên ngọc của miền Tây Bắc. Tất nhiên, tuyệt đại đa số cư dân thuộc địa không có cơ hội thưởng lãm viên ngọc này. Vùng đất quanh năm mát mẻ Sa Pa lúc đó là lãnh địa của người châu Âu, trong khi vào thế kỷ trước vẫn do các băng đảng kiểm soát với các cuộc chém giết, cướp bóc thường xuyên. Trong dòng chảy thời cuộc, thị trấn xinh đẹp này đã nhiều lần bị hủy hoại mà gần nhất là vào năm 1979, cùng số phận với thành phố Lào Cai.
Sa Pa ngày nay, theo những người nhiều lần lên xuống, đã thay đổi quá nhiều và không còn vẻ thơ mộng như xưa. Tuy nhiên, đối với những kẻ lần đầu đặt chân đến và không nợ nần gì với quá khứ, thì đây vẫn là một điểm đến thú vị. Sức hấp dẫn của Sa Pa không hẳn nhờ các danh thắng như vườn hoa núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, bãi Đá cổ... mà phần lớn do không gian văn hóa độc nhất vô nhị Việt Nam. Nơi đây có 3 "lực lượng" xấp xỉ nhau, gồm đồng bào các dân tộc bản địa, người Kinh đảm trách thương mại dịch vụ và khách du lịch. Đồng bào dân tộc, mà đông nhất là H'Mông và Dao, có mặt ở mọi ngóc ngách của thị trấn. Họ ngồi dày đặc trên vỉa hè bán các loại sản phẩm dệt từ thổ cẩm, liên tục xua tay lắc đầu "không phải Trung Quốc" khi khách hàng tỏ ý nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa. Một bộ phận đông đảo khác mặc quần áo rực rỡ ngồi nhàn tản ở quảng trường thị trấn, sẵn sàng làm mẫu ảnh cho bất cứ tay máy nào và đương nhiên, sẵn sàng nhận thù lao.
Du khách nước ngoài ở thị trấn Sa Pa, xét về mật độ, có lẽ là lớn nhất Việt Nam. Và những cuộc giao lưu văn hóa Đông - Tây cứ thế diễn ra hằng ngày hằng giờ. Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy những bà cụ bán thổ cẩm người Dao hay H'Mông nói tiếng Anh như gió với khách nước ngoài. Sự tăng trưởng du lịch nhanh chóng, làn sóng du khách đổ xô vào thị trấn yên bình này không chỉ tạo ra hình ảnh độc đáo như thế, mà còn là những nốt trầm nặng lòng khách đa cảm. Đó là những cụ già bỏ qua sự kiêu hãnh của người vùng sơn cước, lẵng nhẵng bám theo du khách chào bán những cái túi nhàu nát và luôn miệng "không mua thì cho tiền đi". Đó là những đứa bé phong phanh giữa trời lạnh cắt da, ngủ gục trên vỉa hè chợ đêm trước những con bướm bện bằng chỉ giá 20.000 đồng...
Tuy nhiên, đó đâu chỉ là câu chuyện của riêng vùng đất này.
***Như mọi du khách phù phiếm khác, tôi cũng vác máy ảnh xuống phố. Ba cô gái H'Mông đang đứng chống nạnh ngang tàng chuyện trò rôm rả tại một bức tường đá. Quá đẹp. Tôi đưa máy ảnh lên, cô đứng giữa lập tức quắc mắt nói lớn: "Chụp hình, ten đô la!".
Trong thoáng chốc, tôi và cô ấy, một nam một nữ, một Kinh một H'Mông, nhìn nhau. Rồi cả hai cùng bật cười rộ. Đó là một buổi sáng tháng 12 năm 2013, sương mù giăng trắng huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, vùng biên cương Tây Bắc.
Nguồn TNO