(CMO) Những ngày giãn cách xã hội, tâm trạng của ông Phạm Thanh Phong, 65 tuổi càng thêm nặng nề, phần lo cho gia đình của ông ở Hậu Giang, không biết nhà cửa, thức ăn, lương thực ra sao, sức khoẻ mẹ già thế nào, vì đã hơn 2 tháng nay vợ chồng ông không được về nhà.
Trót gắn đời mình với nghiệp thương hồ gần 30 năm, cảnh ngộ "1 kiểng 2 quê" ít ai thấu hiểu nhưng vì mưu sinh mà vợ chồng ông cứ lênh đênh xuôi ngược khắp các tỉnh miền Tây để mong tìm kiếm cuộc sống ổn định khi tuổi đã xế chiều. Quê vợ chồng ông ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, gia đình đơn chiếc, nhưng do đi làm ăn xa, ông phải để mẹ già và đứa cháu ngoại nương tựa nhau tại quê nhà.
Hồi trước, vợ chồng ông buôn bán đủ thứ, nào là khoai lang, bí rợ, củ sắn, mít… giờ chỉ bán duy nhất mặt hàng dưa hấu. Ðể có nguồn hàng tươi ngon, ông phải chạy ghe đi nhiều tỉnh lân cận, khi thì Hậu Giang, Cần Thơ, Ðồng Tháp, những chỗ nào kiếm lời được là vợ chồng ông chạy ghe về đó mua, rồi về tiêu thụ tại chợ đầu mối Phường 7, TP Cà Mau.
Những ngày hay tin Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội và một số tỉnh khác cũng vậy, ông đứng ngồi không yên vì lo cho người mẹ già đã gần 80 tuổi và đứa cháu ngoại. Cảnh nhà còn gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng ông quyết tâm bám trụ mảnh đất Cà Mau, mong muốn tích góp ít tiền để sau này về quê an hưởng tuổi già.
“Buồn lắm vì hơn 2 tháng nay không được về nhà. Nghe thông tin thực hiện giãn cách xã hội, tôi lo lắng, không biết nhà cửa trên đó 1 già 1 trẻ làm sao vượt qua những ngày giãn cách. Ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình ở quê nhà", ông Phong trải lòng.
Vợ chồng ông Phong tranh thủ bán những trái dưa hấu cuối cùng trước khi dừng việc buôn bán.
Chiếc ghe cũ kỹ là nơi vợ chồng ông sinh sống và buôn bán trên đó. Lênh đênh sông nước riết thành thói quen nên hễ ở nhà thì ông lại muốn tìm nguồn hàng đi buôn bán. Cảnh nhà ít đất lại đông con, nghèo khó còn bám víu, do đó, nghiệp thương hồ trên triền sông cứ thế gắn với gia đình ông theo năm tháng.
Dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh miền Tây, bản thân ông mặc dù ít chữ nhưng cũng đủ hiểu tình hình dịch bệnh nguy hiểm như thế nào. Nghe ngóng thông tin trên báo đài, rồi ông thủ thỉ cùng với vợ: “Mình già rồi, ráng lo giữ gìn sức khoẻ. Buôn bán cẩn thận, tránh tiếp xúc quá gần, thực hiện đúng, đeo khẩu trang và xịt khuẩn”.
Cũng lênh đênh trên sông nước gần 20 năm, nhưng vợ chồng ông Phan Thanh Hùng ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước lại mưu sinh bằng nghề bốc vác tại chợ Phường 7, TP Cà Mau. Những năm làm nghề bốc vác, tài sản duy nhất của vợ chồng ông là chiếc ghe cũ và các vật dụng hàng ngày dùng trong sinh hoạt.
“Không vốn liếng nhiều nên vợ chồng tôi chỉ có chiếc ghe cũ, hàng ngày ăn ngủ, sinh hoạt trên đó, riết cũng quen. Sống trên ghe cũng tiện, hễ có người mướn bốc vác là mình làm, nghề này tuy nặng nhọc nhưng cũng có đồng vô đồng ra nuôi gia đình. Con cái tôi đều đi làm ăn xa nên bản thân tôi còn sức thì ráng làm, miễn sao làm ăn lương thiện, không trái pháp luật”, ông Hùng phân trần.
Những ngày giãn cách, vợ chồng ông Hùng và những bạn ghe quanh đây cùng tâm trạng lo lắng nhưng họ luôn bảo nhau ráng vượt qua để sắp tới có thể về thăm nhà.
“Thực hiện nghiêm việc giãn cách như thế tôi thấy an tâm hơn, đặc biệt là nghề bốc vác của tôi nhiều nguy hiểm lắm. Bởi vậy, khi xe tải tập kết hàng xuống đây, nhất quyết không để tài xế xuống xe, chúng tôi tự bốc vác vào những nơi theo yêu cầu. Tôi lớn tuổi nên càng sợ dịch bệnh, lỡ có gì ảnh hưởng vợ con và những người xung quanh”, ông Hùng chia sẻ.
Bà Lâm Thị Ðiệp (vợ ông Hùng) nói: “Giờ sống trên ghe chỉ có 2 vợ chồng và đứa cháu nội. Mong sao dịch bệnh qua đi để cuộc sống người dân trở lại bình thường, làm ăn buôn bán được thuận lợi. Dù có buồn vì không được về nhà nhưng đó cũng là cách để phòng chống dịch bệnh, hy vọng mọi người cùng đồng lòng chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm”.
Cảnh buôn bán nhộn nhịp ven sông chợ Phường 7 không còn náo nhiệt như trước trong những ngày giãn cách, nhường chỗ cho những nỗi niềm của nhiều thương hồ mang tâm trạng "1 kiểng 2 quê"./.