Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, với tính toán của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia để thực hiện được mục tiêu tới năm 2020, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu, cùng với việc chỉ số giá tiêu dùng, nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm… thì mức lương tối thiểu cần phải tăng thêm từ 8,4-14% từ nay đến 2020.
Như vậy, lộ trình tăng lương tối thiểu sẽ có 2 lựa chọn. Một là có thể chia đều trong năm 2019 và 2020, hai là tăng nhanh trong năm 2019 và năm 2020 sẽ tăng chậm.
Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể là 5,3%, tuy nhiên mức này mới chỉ là tham vấn cho các bên đàm phán.
Bộ phận kỹ thuật là đơn vị do 3 bên là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cử ra và phương án do bộ phận kỹ thuật đưa ra mới chỉ là phương án đề xuất chứ chưa phải là kết luận cuối cùng. Mức tăng chính thức sẽ dựa vào thực tế đàm phán của các bên.
Cho ý kiến về việc tính toán theo mức bình quân mức sống của bộ phận kỹ thuật, Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng, khi nuôi con nhỏ, có người lao động dùng sữa ngoại, có người dùng sữa nội, hay với độ tuổi khảo sát từ 18-24 tuổi có phải người nào cũng đã lập gia đình vì vậy những điều kiện này cần được tính toán lại, dựa trên các cơ sở khoa học.
Đánh giá về phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia năm nay, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, năm nay Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức 7,5-8% nhằm đảm bảo đời sống người lao động, còn bên phía VCCI ban đầu đề xuất không tăng hoặc tăng ở mức thấp để cải thiện năng lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức năm nay khó có thể bằng mức tăng của năm 2018 bởi nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ngay thời điểm này, tỉ giá USD đang tăng nhanh, doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều thòi. Vì vậy, chúng ta cần phải tương trợ với nhau.
“Trong kinh tế thị trường, mối quan hệ người sử dụng lao động và người lao động là chủ thể đàm phán. Nhà nước chỉ đứng ở trung gian, định ra “luật chơi” thông qua cơ chế chính sách. Nhà nước thúc đẩy để 2 bên thương lượng và thoả thuận được. Qua đó, Nhà nước cũng muốn thể hiện được các mục tiêu như: Cải thiện đời sống người lao động và nâng cao năng lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể hy sinh quyền lợi của người lao động và cũng không thể hy sinh khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vì các mục tiêu này”, ông Diệp nhấn mạnh.