Tích cực thanh tra
Tham gia ý kiến về vấn đề nợ công, đoàn đại biểu TP.HCM đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp sử dụng nợ công lãng phí, không hiệu quả và xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm và thông báo cho cử tri biết.
Giải đáp, Bộ Tài chính biết, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay và bảo lãnh vay của Chính phủ (nợ công) luôn được Bộ Tài chính quan tâm triển khai thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính về nợ công.
Tính từ năm 2011 đến nay, liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra Dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; kiểm tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; thanh tra công tác quản lý và sử dụng vốn ODA tại các dự án của thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ công và công tác quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài; thanh tra 16 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ…
Qua thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nợ công. Cụ thể, tại một số dự án, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt so với phê duyệt lần đầu, ảnh hưởng tới kế hoạch và phương án trả nợ của các dự án, tác động đến việc tăng nợ công.
Riêng đối với việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tại một số tỉnh qua rà soát nhận thấy, nhiều chủ đầu tư áp sai đơn giá, định mức làm tăng dự toán các gói thầu dẫn đến phải giảm trừ giá trị nghiệm thu thanh toán.
Một số dự án sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn hoặc sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị các tập thể, cá nhân liên quan chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm.
Đồng thời, từ những phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị xử lý về tài chính; sửa đổi, bổ sung chính sách chế độ liên quan đến quản lý nợ công.
Năm 2015, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn trái phiếu Chính phủ ngay từ đầu năm để phù hợp với thời điểm giao dự toán ngân sách Nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó có việc quản lý, sử dụng nợ công.
Vay đảo nợ không ảnh hưởng đến dư nợ
Cũng về vấn đề nợ công, nhiều cử tri cả nước có ý kiến rằng, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp như huy động thêm trái phiếu Chính phủ và thực hiện các khoản vay mới để đảm bảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn. Nhiều cử tri cả nước đã bày tỏ băn khoăn về việc “vay nợ để trả nợ” sẽ làm cho dư nợ ngày càng tăng.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, thời gian vừa qua, do áp lực tăng chi lớn từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các sự nghiệp văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh..., trong khi thu ngân sách Nhà nước tuy có tăng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chi nên ngân sách Nhà nước phải bội chi để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
Bội chi ngân sách thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Có thể nói rằng, nếu vay về sử dụng đầu tư dự án có hiệu quả, trả được nợ thì bội chi ngân sách Nhà nước là tích cực và cần thiết. Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục bội chi ngân sách Nhà nước để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nhu cầu tối thiểu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện còn rất yếu kém; đồng thời, cũng còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA đang trong quá trình triển khai, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành dự án.
Để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã tính toán rất kỹ các phương án huy động vốn và tác động tới việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, khả năng trả nợ... với mục tiêu vừa thu hút nguồn vốn nước ngoài vừa đảm bảo nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua kế hoạch vay, trả nợ hàng năm và nghiêm túc triển khai thực hiện. Thực tế, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 59,6% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,4%GDP; dự kiến đến hết năm 2015 dư nợ công bằng 62,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 49,1% GDP, trong giới hạn Quốc hội cho phép.
Như vậy, việc vay và trả nợ vay là theo kế hoạch, dự toán được duyệt. Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) cũng chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.