Quả thực,ợainấytrảtl bd tt nếu theo thống kê của Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia đang tăng khá nhanh. Chỉ số này so với GDP trong các năm 2015, 2016, 2017 tương ứng là 42%, 44,8% và 48,9%. Dự kiến năm 2018 ở mức 49,7%. Tuy nhiên, thực chất con số này không đáng lo ngại. Để phân tích, ta có thể nhìn lại cấu phần nợ nước ngoài của quốc gia. Theo Luật, khoản nợ này bao gồm: Nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của DN theo phương thức tự vay, tự trả. Trong cơ cấu này, chỉ có 2 khoản đầu thuộc phạm vi nợ công. Vừa qua, nợ nước ngoài của Chính phủ đã được tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP năm 2011 xuống còn 21% GDP của giai đoạn 2016-2018. Với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới, do đó dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018. Trong đó, bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018. Hai khoản thuộc nợ công có thể nói không đáng ngại, vậy vấn đề chỉ còn nằm ở khoản nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN. Thực tế, khoản nợ này đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015 thì năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016. Chính phủ nhận định đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Đưa ra lý giải, Chính phủ cho hay, việc khoản nợ này vừa qua tăng nhanh có 1 phần nguyên nhân do 2 thương vụ lớn là mua cổ phần Sabeco và đầu tư dự án ô tô Vinfast. Khi bỏ ra 5 tỷ USD mua Sabeco, Tập đoàn Thai Beverage đã sử dụng pháp nhân của một công ty có đăng ký tại Việt Nam để vay nước ngoài một khoản lớn trong số 5 tỷ USD đó. Hay như Tập đoàn Vingroup để đầu tư vào dự án ô tô Vinfast, đã huy động hàng tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế dẫn đến nợ nước ngoài của khối DN tư nhân tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không đáng ngại bởi xét về bản chất, các khoản nợ nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng được thực hiện theo cơ chế tự vay, tự trả. Bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao quản lý các khoản nợ này phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối Nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của DN và tổ chức tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép. |