Do đó, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp quản lý nhằm đẩy lùi vấn nạn này, làm trong sạch môi trường kinh doanh và tránh thất thu thuế cho nhà nước.
Mạnh tay hơn với hàng giả, hàng nhái
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh đẩy lùi thực trạng hàng giả, hàng nhái. Song tình trạng này vẫn tồn tại, không chỉ ở những trung tâm thương mại ở các thành phố lớn cho đến vùng quê, hay các sàn thương mại điện tử. “Hàng giả, hàng nhái được sản xuất rất tinh vi, thậm chí hàng còn được đặt sản xuất ở nước ngoài và đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ qua nhiều kênh phân phối”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh chia sẻ.
Đáng chú ý, mới đây, trong Báo cáo của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) về các chợ “tai tiếng” về hàng giả, đánh cắp bản quyền, USTR đã “điểm mặt” 3 chợ truyền thống và trực tuyến của Việt Nam là: Shopee, chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân.
Về vụ việc này, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục QLTT cho biết thêm, trong năm 2020, lực lượng QLTT đã mở nhiều đợt tổng tấn công, kiểm tra đột xuất tại các tụ điểm, thủ phủ nổi cộm hàng giả, qua đó tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ theo quy định của pháp luật. “Sau gần 2 năm triển khai quyết liệt Kế hoạch 3972 đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hiện nay tại hai chợ truyền Đồng Xuân và Bến Thành, lượng ki-ốt bày bán hàng có dấu hiệu giả mạo, hàng nhái giảm đi rõ rệt”, ông Minh nhấn mạnh.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT phân tích, sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu đã tạo cơ hội cho hàng giả và hàng lậu phát triển tràn lan. Riêng với trường hợp cụ thể của Shopee, Báo cáo thực chất đề cập tới toàn bộ hệ thống của Shopee hoạt động trên phạm vi nhiều nước, bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brazil và Việt Nam. Mặc dù cùng thương hiệu Shopee, nhưng tại mỗi quốc gia lại có một pháp nhân khác nhau với tên miền có đuôi tương ứng. Theo kiểm tra của Tổng cục QLTT, Shopee tại Việt Nam (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.
Đổi mới phương thức quản lý thương mại điện tử
Thực tế cho thấy, khi các chợ truyền thống bị “sờ gáy” thì các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lại tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh, đưa hàng lên tiêu thụ tại các sàn giao dịch thương mại điện tử. Vấn nạn hàng giả tại chợ trực tuyến ngày càng trở nên nhức nhối và làm cho công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý, do người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở nên phát sinh vướng mắc về hồ sơ hải quan, xác định trị giá hải quan làm cơ sở tính thuế.
Trong khi đó, hiện cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp bưu chính chịu áp lực về tốc độ thông quan hàng hóa. Phương thức quản lý rủi ro đối với loại hình này chưa được áp dụng do chưa có thông tin đến trước của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nên không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hơn nữa, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới còn phát sinh vướng mắc đối với hàng hóa thuộc diện cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu.
Trước tình hình đó, chúng ta cần có quy định nhằm tháo gỡ. Theo đó, các giải pháp sẽ được quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong quý IV/2021.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi liên tục của công nghệ đã khiến các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử diễn ra ngày càng tinh vi, với nhiều mô hình mới, có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức… hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc phát hiện, xử lý càng trở nên khó khăn.
Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường thương mại điện tử, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát cả thị trường và “đầu vào” của hàng hóa vi phạm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững vừa tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Xây dựng quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 24/NQ-CP ngày 26/2/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Trước đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Thời gian qua, số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử tăng nhanh. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về quản lý đối với loại hình xuất khẩu này, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. |
Tố Uyên