PV:Ông đánh giá về kết quả đấu tranh,ảiphápphòngngừađẩylùitíndụngđlịch thi đấu giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thời gian qua, thưa ông? Trung tướng Trần Ngọc Hà: Sau 3 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 12), kết quả triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật (TP và VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (HĐTDĐ) đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước theo chức năng của lực lượng công an từng bước được nâng cao. Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên. Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Thống kê trong 03 năm (từ 15/4/2019 đến 14/4/2022) thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can. PV:Hệ lụy từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có tác động như thế nào đến việc đấu tranh phòng ngừa hoạt động tín dụng đen, thưa ông? Trung tướng Trần Ngọc Hà: Như trên đã đề cập, tình hình TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao... Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng HĐ TDĐ chuyển hướng lập các doanh nghiệp để núp bóng hoạt động cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi VPPL nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện HĐ TDĐ. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này thường yêu cầu quyền truy cập, thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội…của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng 3-5 triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng; nhiều trường hợp phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước với lãi suất rất cao. Điển hình như: Ngày 25/5/2022, Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt tiến hành bắt, giữ gần 300 đối tượng, khám xét tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên liên quan đến hoạt động TDĐ của công ty Newstar có ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ do 01 đối tượng người Trung Quốc làm Giám đốc, đối tượng Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) làm Phó Giám đốc. Thủ đoạn của nhóm đối tượng là thuê kỹ sư công nghệ thông tin, tạo lập nhiều App cho vay tiền với lãi suất từ 15-20% rồi quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, website để tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, Vũ còn thành lập nhiều công ty khác nhau để thực hiện chức năng tìm kiếm khách hàng vay, thẩm định, đòi nợ, nhắc nợ, kế toán… Trên thực tế, khách hàng vay từ các App này phải chịu lãi suất trên 2.000%/năm. Các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn (gọi điện đe dọa, cắt ghép hình ảnh con nợ đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ…) để nhắc nợ, đòi nợ. Điều tra ban đầu cho thấy có khoảng 01 triệu tài khoản khách hàng vay đăng nhập vào các App với số tiền giao dịch hàng nghìn tỷ đồng. Hoặc gần đây nhất là vụ án do Cục CSHS, Cục An ninh mạng và PCTPSDCNC phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay qua App . Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cho vay các gói từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 07 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160 nghìn người đã vay qua các App do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng. Qua các vụ án trên có thể thấy, các đối tượng TDĐ có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. | Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an. |
PV:Được biết, kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động, nhưng dường như đã có những “biến tướng” thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này, thưa ông? Trung tướng Trần Ngọc Hà: Đúng là từ 1/1/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động, góp phần hạn chế các VPPL phát sinh từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, một số công ty hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ trái pháp luật. Tình trạng các đối tượng côn đồ, đối tượng nghiện ma túy, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân con nợ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tại một số địa phương nổi lên tình trạng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay. PV:Theo ông, cần làm gì để tiếp tục đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, thưa ông? Trung tướng Trần Ngọc Hà:Theo tôi, để kiềm chế, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen,trước hết,các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo. Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19. Hai là,thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Đồng thời, truyền thông, giáo dục tài chính để người dân có hiểu biết cơ bản về các giao dịch liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động ngân hàng chính thức. Trong đó, khuyến nghị người dân có tiền nhàn rỗi nên gửi vào các tổ chức tín dụng hợp pháp để được đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền cho người gửi tiền hoặc phá sản thì vẫn được bảo đảm khả năng hoàn trả tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, việc làm trên góp phần hạn chế các đối tượng hoạt động TTĐ huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân; duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng; hạn chế các những rủi ro từ việc hệ thống TDĐ đổ vỡ hoặc phát sinh những phức tạp về trật tự xã hội từ việc vay, mượn tiền, đòi nợ trái pháp luật. Ba là,UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến TDĐ. Phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh huy động, vay vốn chính thống. Đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến TDĐ để vay vốn. Bốn là,Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về ANTT có liên quan đến công tác phòng, chống TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến HĐ TDĐ. Đề nghị ngành tư pháp Trung ương chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến HĐ TDĐ; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ, phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, các vi phạm, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý. Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. PV:Ông vừa nhắc đến cơ chế bảo hiểm tiền gửi với ưu thế là biện pháp bảo vệ cuối cùng đối với tiền gửi của người dân trước những rủi ro. Vậy, ông có đề xuất gì để BHTG tiếp tục phát huy tính ưu việt, an sinh vốn có của cơ chế này, thưa ông? Trung tướng Trần Ngọc Hà: Luật BHTG được Quốc hội Khóa XIII thông qua và ban hành vào ngày 18/6/2012 quy định về hoạt động BHTG, quyền và nghĩa vụ của người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG và hoạt động quản lý nhà nước về BHTG. Trước đó, xác định tầm quan trọng của BHTG, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về BHTG và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 về việc thành lập BHTGVN làm tiền đề cho các hoạt động BHTG sau này ở nước ta. Theo tôi, tới đây cần thường xuyên đánh giá, tổng kết để từ đó nâng tầm chính sách, các quy định về BHTG, bảo vệ tốt hơn người gửi tiền. Người dân phải nhận thấy, thông qua các quy định về BHTG, họ thực sự được bảo vệ. Chẳng hạn, hạn mức trả tiền BHTG cần được định kỳ xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường… Mặt khác, cần mở rộng kênh truyền thông để người gửi tiền - người dân biết, hiểu về BHTG cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động tiền gửi, giao dịch ngân hàng. Khi được thông tin một cách đầy đủ - kịp thời - chính thống, họ sẽ có lựa chọn đúng thay vì dễ dàng sa vào những cái bẫy tín dụng phi chính thức, trong đó có hoạt động TDĐ. PV:Xin cảm ơn ông! |