(CMO) Nghệ sĩ không phải lúc nào cũng được sống trong sự thăng hoa nghệ thuật với xiêm y rực rỡ, dưới những ánh đèn màu hằng đêm. Đằng sau sự tung hô ca ngợi và những tràng vỗ tay của khán giả là biết bao nỗi niềm của người nghệ sĩ khi về với cuộc sống đời thường, đặc biệt khi tuổi về chiều mà sự an nhàn vẫn chưa hề trọn vẹn. Tìm về Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại đường Âu Dương Lân, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được hiểu thêm về những trang đời của các nghệ sĩ lão thành sau bức màn nhung.
Viện Dưỡng lão nghệ sĩ được thành lập năm 1997 do công sức của cố NSND Phùng Há vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm nhằm xây dựng một mái ấm cho nghệ sĩ khi tuổi xế chiều. Bởi cả cuộc đời gắn bó với nghiệp Tổ, NSND Phùng Há thấy rằng cuộc đời nghệ sĩ thường ít ai có hậu vận xán lạn. Từ đó đến nay, nơi đây đã là mái nhà chung cho rất nhiều nghệ sĩ lão thành với nhiều hoàn cảnh khác nhau như neo đơn, nghèo khó, bệnh tật. Họ là những nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật: cải lương, phim ảnh, kịch, diễn viên múa, nhạc công hay hậu đài...
Từ phải sang: Nghệ sĩ Ngọc Đáng, Thiên Kim.
Theo quản lý Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, do diện tích hạn chế nên điều kiện để được vào đây thường là các nghệ sĩ lớn tuổi (trên 60 đối với nữ và 65 đối với nam), mỗi nghệ sĩ phải có từ 25 năm hoạt động nghệ thuật trở lên và có nhiều đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật dân tộc.
Mỗi ngày trôi qua của các nghệ sĩ trong khu dưỡng lão này thật lặng lẽ, cái hối hả qua những ngày sống đời "gạo chợ nước sông" dường như đã cuốn thuở thanh xuân đi thật xa. Hiện tại khi đã là các ông, các bà ở tuổi bảy, tám mươi, họ ngồi nhớ lại ngày xưa, ngày mà đi đến đâu họ cũng được sống trong tình yêu thương của khán giả mộ điệu. Rồi sau khi trở lại cuộc sống hiện tại, họ phải chật vật trong những bộn bề của cuộc sống, cái giá mà họ phải trả cho kiếp tằm trót mang.
Có gì đó hơi chạnh lòng, nỗi nhớ nghề cứ da diết khôn nguôi, nhiều nghệ sĩ lão thành ở đây cứ ao ước một lần quay trở lại sân khấu, được đắm mình vào những vai diễn để đời năm nào nhưng lực bất tòng tâm, biết sao được khi mà thanh sắc đều đã không còn. Có chăng chỉ là lúc ngồi ôn kỷ niệm với nhau, những chuyện đời, chuyện nghề cứ nối tiếp bất tận, cười đó rồi lại khóc đó khi nghĩ về nghiệp "dĩ" rồi lại cảm thông cho những số phận cùng cảnh ngộ trong mái nhà chung này.
Họ từng là những ông hoàng bà chúa trên sân khấu, từng cho đời những vai diễn vang danh, nhưng trước khi vào đây ai cũng chung một hoàn cảnh là nghèo khó, neo đơn hoặc không tìm được sự cảm thông nơi con cháu. Lý giải về điều này, có người giải thích: thời trẻ đi theo các đoàn hát ngang dọc khắp nơi, con cái thì gửi lại gia đình lâu lâu mới về thăm một lần, chính vì vậy mà khi lớn lên chúng có phần lạnh nhạt, ít gần gũi; có người lúc nổi tiếng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng vì tiêu xài không có sự tính toán nên khi hết thời không còn đi hát được nữa thì của cải cũng dần tiêu tan; lại có người vì nghiệp làm bầu gánh mà bao nhiêu tài sản cũng chẳng còn...
Nhóm sinh viên trường Đại học RMIT TP. Hồ Chí Minh trong chuyến thăm viện.
Khu dưỡng lão nghệ sĩ tương đối khang trang, ấm áp, các nghệ sĩ được chăm lo chu đáo từng bữa ăn, không phải bận tâm chuyện nắng mưa, thuốc men khi đau ốm, thậm chí chuyện tang chế cũng được chăm chút kỹ lưỡng mỗi khi có người qua đời. Kinh phí hoạt động của viện là do "tự thân vận động" với nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... Nơi đây thường xuyên được các nghệ sĩ trong và ngoài nước đến thăm viếng, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp hay trao những phần quà nhỏ về vật chất để phần nào ấm lòng kiếp tằm tuổi xế chiều.
Sau 20 năm thành lập, viện trở thành nơi dừng chân cho một đời nghệ thuật của các nghệ sĩ tài danh được nhiều người biết đến như: Thiên Kim, Ngọc Đáng, Lệ Thẩm, Mỵ Lan, Mộng Lành, NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Diệu Hiền... Trong số đó có không ít nghệ sĩ đã mất như danh ca Bạch Yến, Nghệ nhân Dân gian Bạch Huệ, tay trống Tám Lang... Hiện tại còn 23 nghệ sĩ đang sống ở đây.
Soạn giả Đức Hiền, Trưởng Ban Quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ, chia sẻ: "Mỗi nghệ sĩ trong viện là một tấm gương đẹp trong nghệ thuật để các thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo. Với bề dày và những cống hiến lớn đối với nghề, họ được coi như những quyển từ điển sống để ai yêu mến tìm hiểu về nghệ thuật có thể đến chiêm ngưỡng, học hỏi, cũng như để hiểu hơn về lịch sử nghệ thuật nước nhà".
Lớn tuổi nhất khu dưỡng lão hiện tại là 2 nghệ sĩ: Thiên Kim và Ngọc Đáng. Với tuổi 84, những cơn trái gió trở trời thường làm cho các khớp chân của Nghệ sĩ Thiên Kim đau nhức thường xuyên, nhưng hễ có lời mời đóng phim hay quảng cáo là bà lại tất bật nhận lời, yêu nghệ thuật là một lẽ, nhưng lẽ khác bà cần tiền để lo cho cuộc sống thường ngày. Hoạt động nghệ thuật rất nhiều lĩnh vực, từ cải lương, phim ảnh, kịch, lồng tiếng... giờ đây khi lật lại từng trang ký ức, bà có quá nhiều kỷ niệm vui buồn nhắc mãi không hết.
Nghệ sĩ Ngọc Đáng ngày xưa cũng từng là cô đào sáng giá với nhiều vở cải lương nổi tiếng, bên cạnh đó bà còn làm bầu của một gánh cải lương lớn. Nay với tuổi 90, tuy có con cháu phụng dưỡng và cuộc sống cũng không quá khó khăn nhưng bà lại muốn vào đây để gần đồng nghiệp, hằng ngày chuyện trò cho khuây khoả rồi tìm lại chút không khí của nghề mà theo như bà chia sẻ: có trúng số độc đắc cũng chưa chắc bằng.
Như thường lệ, vào những ngày rằm hằng tháng, Viện Dưỡng lão lại tổ chức chương trình "Đêm hội trăng rằm", sân khấu được dàn dựng ngay trước nhà thờ Tổ, tuy không lớn nhưng đủ để nghệ thuật thăng hoa. Mặc dù thanh âm không còn trong trẻo như xưa, cách lấy hơi có thể hơi nặng nề hoặc chới với trong từng nốt nhạc vì tuổi cao nhưng họ vẫn cháy hết mình, vẫn hát để góp vui cho khán giả đến xem ủng hộ, cho vơi đi nỗi nhớ nghề, nhớ những khán giả tri âm đã từng yêu mến, ái mộ mình.
"Khép cánh màn nhung danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...".
Bốn câu thơ được khắc đằng sau sân khấu nhỏ làm chạnh lòng người khi mỗi lượt ghé thăm. Chỉ vỏn vẹn vài câu ngắn ngủi nhưng đã gói trọn hết cuộc đời của những người trót mang nghiệp Tổ. Họ mãi mãi chỉ là những "ông hoàng, bà chúa" trong những vai tuồng, khán giả đến xem sẽ tung hô ca ngợi nhưng sau đó sẽ như "người về" - rũ sạch hết những phút giây vui buồn. Để rồi "người vào", chính là nghệ sĩ, khi bán hết niềm vui cho thiên hạ lại lặng lẽ tháo bỏ những vai tuồng mới vừa diễn đó, một mình trở về với cuộc sống đời thường với thật nhiều tâm tư./.