游客发表
Hiện nay, đa số các chủ phương tiện đánh bắt thuỷ sản ngày càng ý thức hơn trong việc phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, khi có thông tin thời tiết bất thường thì ngừng việc ra khơi đánh bắt.
Ông Huỳnh Văn Đài, ngư dân ở cửa biển ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, bộc bạch: “Nghe tin bão nơi xa hoặc có áp thấp nhiệt đới là không ra khơi đánh bắt, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, bởi thiên tai có thể ập đến bất ngờ, không thể chủ quan được”.
Đa số các hộ đánh bắt đều chọn cất nhà ven biển để dễ dàng làm nghề. Từ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai là rất quan trọng.
Ông Trịnh Văn Liễu, Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, chia sẻ: “Nhà tôi ở gần cửa biển. Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở vào mùa mưa cần chằng néo nhà cửa cho chắc, không để mưa dông làm sập. Từ đó gia đình tôi luôn ý thức, vào mùa mưa thì lấy dây chằng néo, dằn tôn để nhà chắc chắn, không bị sập hoặc tốc mái”.
Bà con ngư dân Khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, cất nhà tạm bợ, nguy cơ bị mưa dông làm sập, tốc mái. |
Huyện Phú Tân hiện có hơn 2.500 hộ sống ven biển. Đời sống của phần lớn bà con gắn liền với kinh tế biển nên nhiều hộ nhà ở tạm bợ, sống ven các cửa sông như: Cái Đôi Vàm, Gò Công, Sào Lưới, Mỹ Bình, Công Nghiệp, Cái Cám. Đây là những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có thiên tai, dông lốc, bão, ngập lụt do biến đổi khí hậu, nước dâng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, lơ là, chủ quan trong việc phòng tránh thiên tai.
Tại cửa biển Cái Cám hiện có 120 hộ dân sinh sống, cửa biển Công Nghiệp có 92 hộ và cửa biển Mỹ Bình có 113 hộ. Trong đợt mưa dông, triều cường vào trung tuần tháng 7 vừa qua, nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nhà cửa, tài sản. Kiểm tra thực tế, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, ân cần thăm hỏi các gia đình có nhà bị triều cường gây ngập, thiệt hại về tài sản; động viên các gia đình khắc phục khó khăn, chủ động trong việc bảo quản tài sản khi triều cường cao đột ngột. Đồng thời lưu ý địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra khu vực cửa sông, cửa biển, những nơi có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo, thông tin, tuyên truyền đến người dân biết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Nhà ông Trần Hữu Phương Cương (ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận) cất bằng cây lá nên lốc xoáy xảy ra đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn. |
Tổng trị giá tài sản thiệt hại do mưa lớn, dông lốc, nước dâng trên địa bàn huyện Phú Tân đến thời điểm này hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó, dông lốc làm sập 44 căn nhà, tốc mái 171 căn và hư hỏng khác 23 căn. Mưa nhiều kèm theo nước dâng cũng làm ngập và thiệt hại tài sản của 481 nhà dân, nhất là các khu vực ven sông, ven biển, các vùng trũng thấp dễ ảnh hưởng triều cường. Đồng thời, mưa nhiều, dông lốc và triều cường cũng làm thiệt hại hơn 120 ha nuôi thuỷ sản, hoa màu của người dân. Huyện Phú Tân và các xã, thị trấn kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ về vật chất, tinh thần và cử lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Huyện Phú Tân chỉ đạo cán bộ, Nhân dân phải có sự chủ động, không được chủ quan, tránh những thiệt hại đáng tiếc do thiếu tin tưởng vào thông tin dự báo thời tiết. Đồng thời, chủ động quản lý các phương tiện ra vào khai thác trên biển, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời; chuẩn bị các phương án di dời dân cư ở các khu vực không an toàn; người dân phải thực hiện việc chằng chống nhà cửa đúng quy cách, gia cố đê đập, bờ bao bảo vệ sản xuất, đảm bảo giảm thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai kết hợp hướng dẫn bà con bảo vệ nhà cửa, đất đai và tài sản./.
Anh Phan
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接