Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn,ượtkhsảnxuấkết quả trận hy lạp thách thức, nhưng nhờ sự chủ động trong sản xuất nên nông dân Hậu Giang và vùng ĐBSCL vẫn mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong vụ lúa Hè thu đã và đang thu hoạch. Nhờ linh hoạt trong sản xuất đã giúp nông dân Hậu Giang thu về nguồn lợi nhuận khá trong vụ lúa Hè thu năm nay. Linh hoạt mùa vụ Từ tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 tại vùng ĐBSCL diễn ra gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm nên ngay đầu mùa khô, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo với ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL về việc linh hoạt mùa vụ trong sản xuất lúa Hè thu nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho hay: Thực hiện phương châm xuống giống sớm của Bộ NN&PTNT, một số địa phương ở vùng thượng nguồn như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, thành phố Cần Thơ và một phần tỉnh Hậu Giang đã tập trung xuống giống lúa Hè thu sớm trong tháng 2 và tháng 3, với tổng diện tích đạt gần 310.000ha. Các vùng còn lại tập trung gieo sạ trong tháng 4 và tháng 5 với tổng diện tích gần 990.000ha, trên cơ sở tuân thủ theo dự báo nguồn nước đối với từng tiểu vùng cụ thể cho từng tỉnh đã được thống nhất phân lập trên bản đồ rủi ro khí hậu. Riêng trong tháng 6 xuống giống khoảng 215.000ha cho các vùng cần nguồn nước mưa phục vụ sản xuất. Đặc biệt, trên cơ sở dự báo về tình hình tiêu thụ lúa gạo, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm cho phù hợp và thích ứng với diễn biến của thời tiết, cũng như yêu cầu thị trường. Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 76.616ha lúa Hè thu, tập trung chủ yếu trong tháng 4 và tháng 5, với diện tích khoảng 65.000ha. Đặc biệt, Hậu Giang cũng có gần 9.000ha lúa Hè thu được bà con gieo sạ sớm trong tháng 3 và hiện đã thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 6 vừa qua; đồng thời các diện tích xuống giống kế tiếp cũng đang được nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, với tổng diện tích đã cắt đến thời điểm này là hơn 20.000ha. Tuy năng suất lúa Hè thu từ đầu vụ đến nay đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ nhưng bù lại nông dân bán được giá cao nên vẫn đảm bảo mức lợi nhuận 30%. Ông Nguyễn Bá Tòng, ở ấp 4A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, thông tin: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 1,6ha lúa Hè thu sớm (giống OM 18), với năng suất gần 800kg/công, giảm hơn 100kg/công so với cùng kỳ. Giá bán được thương lái cân tại ruộng là 6.000 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với năng suất và giá bán như trên thì vụ lúa Hè thu này, gia đình tôi và nhiều bà con ở đây kiếm được nguồn lợi nhuận từ 20-23 triệu đồng/ha”. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chia sẻ: Đến thời điểm này, nông dân thành phố đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè thu, với tổng diện tích 75.200ha, tăng 179ha so với cùng kỳ. Nhờ dịch chuyển mùa vụ sớm theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT nên nhìn chung nguồn nước phục vụ cho sản xuất được đảm bảo tốt, tình hình sinh vật gây hại trên lúa ít và được kiểm soát tốt. Từ đó, năng suất lúa dao động từ 600-700kg/công, giá bán từ 5.800-6.000 đồng/kg, mức lợi nhuận nông dân có được khoảng 15-20 triệu đồng/ha. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhìn chung trong vụ lúa Hè thu năm nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực; đồng thời thời vụ xuống giống lúa sớm nên hạn chế rủi ro về thiên tai. Đặc biệt, nông dân sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của ngành chức năng và doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao và giống lúa thơm; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình. Từ việc dịch chuyển cơ cấu giống lúa như trên của người dân đã phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU. Cụ thể, từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã và đang có nhiều tiềm năng phát triển đã góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong đó có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn (trong năm 2020). Từ thị trường xuất khẩu gạo phát triển không ngừng đã giúp cho việc tiêu thụ lúa của nông dân gặp nhiều thuận lợi và giá bán, nguồn lợi nhuận cũng ở mức hấp dẫn. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, phấn khởi cho biết: Vụ lúa Hè thu này, nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao trong gieo sạ chiếm 93,6% (tăng 5,4% so với cùng kỳ), với tổng diện tích là 71.705ha trong tổng số 76.616ha đã xuống giống. Trong đó, có hai giống lúa chủ lực là OM 18 và OM 5451. Ngoài ra, quy mô diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đạt 6.767ha, tăng 302ha so với cùng kỳ; diện tích lúa được ký kết hợp đồng bao tiêu đạt hơn 14.000ha. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang thu hoạch lúa Hè thu trong điều kiện thuận lợi về đầu ra, giá bán ở mức có lợi nhuận và tình hình hạn, mặn không làm ảnh hưởng lớn trong vụ lúa này. Áp lực giá vật tư nông nghiệp Bên cạnh vượt khó về yếu tố xâm nhập mặn thì giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón cũng là vấn đề trở ngại không nhỏ để nông dân vùng ĐBSCL phải vượt qua trong vụ lúa Hè thu này. Cụ thể, giá phân Urê, DAP và NPK tại tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng từ 50.000-250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020 và đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ sâu, bệnh cũng tăng từ 20.000-30.000 đồng/chai tùy loại. Chuẩn bị thu hoạch gần 2ha lúa Hè thu (giống OM 18) của gia đình, ông Nguyễn Văn Mười Một, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Từ đầu vụ đến nay, giá các loại phân bón đều ở mức cao kỷ lục, trong đó bình quân tăng khoảng 70.000 đồng/bao. Ngoài ra, xăng, dầu bơm nước và giá thuê nhân công ở các khâu cũng tăng nên chi phí đầu tư cho vụ lúa Hè thu năm nay tương đối cao khi ở mức khoảng 2,5 triệu đồng/công. Như vậy, nếu đợt cắt lúa tới đây đạt năng suất 700-800 kg/công thì có được đồng lời chút ít, còn năng suất 500-600 kg/công thì coi như phá huề”. Dù phải đối mặt với giá vật tư nông nghiệp tăng từ 40-60% so với cùng kỳ, nhưng theo tính toán của Cục Trồng trọt, giá thành bình quân tạm tính trong vụ lúa Hè thu năm nay tại vùng ĐBSCL là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với cùng kỳ (tương đương tăng khoảng 4%). Trong đó, tỉnh Tiền Giang là địa phương có giá thành sản xuất lúa bình quân thấp nhất của vùng ĐBSCL khi ở mức 3.076 đồng/kg, còn tỉnh có mức cao nhất là Bến Tre khi đạt 4.738 đồng/kg; riêng tỉnh Hậu Giang đứng thứ 4 của vùng ĐBSCL khi ở mức 3.326 đồng/kg. Để có được mức lợi nhuận tương đối như trên trước nhiều khó khăn, thách thức là sự nỗ lực của ngành chức năng và người dân trong việc triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất trong canh tác lúa. Cụ thể, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa với các giải pháp thực hiện như: Mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa “ướt khô xen kẽ”; đặc biệt là giảm lượng lúa giống trong gieo sạ trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Theo đó, qua ghi nhận thực tế ở vụ lúa Hè thu năm nay của Cục Trồng trọt, đa phần nông dân tại vùng ĐBSCL chỉ gieo sạ lượng lúa giống từ 100-120 kg/ha thông qua hình thức sạ hàng, cấy máy, sạ định vị như cấy… Chính việc giảm mật độ gieo sạ đã hạn chế tình hình sinh vật gây hại tấn công, từ đó nông dân giảm số lần phun thuốc, bón phân trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ông Huỳnh Văn Chắc, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất lúa Hè thu vừa cắt xong của gia đình đạt gần 800kg/công. Với giá bán 6.000 đồng/kg (giống lúa OM 18) nên tổng nguồn thu đạt gần 4,8 triệu đồng/công, chi phí 2,5 triệu đồng/công. Như vậy, mức lợi nhuận mà tôi có được là gần 23 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận đáng mừng trước tình hình giá cả vật tư đầu vào ở mức cao”. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá: Việc nông dân vùng ĐBSCL áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhất là ở khâu giảm lượng lúa giống trong gieo sạ đã kéo theo giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp bà con giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha so với canh tác theo tập quán truyền thống. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% cũng giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng lên. Với những mặt tích cực trong vụ lúa Hè thu đã và đang thu hoạch không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất mà còn tiếp tục tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường. Hiện tại, nông dân toàn vùng ĐBSCL chỉ mới thu hoạch được khoảng 1/3 diện tích lúa Hè thu. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả trong sản xuất để vụ lúa Hè thu đạt thắng lợi trên các mặt... Vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân toàn vùng ĐBSCL xuống giống được hơn 1,5 triệu héc-ta, năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 8,6 triệu tấn, tăng 124.000 tấn so với cùng kỳ. Về cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản chiếm 29,3%; giống lúa chất lượng cao đạt 48,5% và giống chất lượng trung bình đạt 11,5%. |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC |