Theo quy định của pháp luật thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nếu thuộc đối tượng chịu thuế quy định của các luật thuế thì sẽ phải chịu các loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế TTĐB (đối với loại từ 24 chỗ ngồi trở xuống), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế GTGT. Kể từ năm 2017 đến nay, Chính phủ liên tục có các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước.
Linh kiện ô tô không phải chịu thuế TTĐB
Theo quy định của Luật thuế TTĐB, xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB nhưng linh kiện ô tô không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập, thuế TTĐB và thuế GTGT thì phải nộp thuế nhập khẩu, thuế TTĐB (áp dụng đối với xe chỗ ngồi từ 24 chỗ trở xuống) và thuế GTGT.
Trong đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu thực hiện theo đúng cam kết quốc tế WTO và tại 14 Hiệp định FTA đã ký kết; trị giá tính thuế là trị giá hải quan theo đúng quy định của pháp luật hải quan, phù hợp nguyên tắc xác định trị giá GATT của Hải quan Thế giới (WCO). Mức thuế suất thuế TTĐB, thuế GTGT đối với ô tô nguyên chiếc và thuế suất GTGT đối với linh kiện ô tô là tương đồng với mức thuế quy định tại một số nước trên thế giới. Phương pháp tính thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại các luật thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật thuế GTGT quy định, cơ sở kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khi bán xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu hoặc ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì toàn bộ số thuế GTGT đã nộp tại khâu nhập khẩu hoặc đã trả khi mua hàng hóa dịch vụ trong nước phục vụ cho hoạt động sản xuất vào kinh doanh ô tô thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào theo quy định của pháp luật thuế GTGT. Vì vậy, có ý kiến cho rằng “các loại thuế này lại đánh chồng lên nhau” là chưa chính xác.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô
Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện, sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô với mục tiêu chính là khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước, tăng quy mô và dung lượng thị trường cho xe ô tô lắp ráp trong nước, đồng thời góp phần giảm giá thành sản xuất, lắp ráp xe trong nước.
Theo quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, một trong các điều kiện để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng điều kiện về sản lượng sản xuất xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhất định theo lộ trình quy định cho giai đoạn năm 2018 đến năm 2022.
Đây là điều kiện cần để đảm bảo chương trình ưu đãi đạt được mục tiêu đề ra do yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp ô tô là quy mô thị trường. Bất kỳ chương trình ưu đãi thuế nào cũng cần kèm theo một số điều kiện nhất định để bảo đảm chương trình ưu đãi đó được áp dụng cho đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra của chính sách ưu đãi.
Nếu không gắn với bất kỳ điều kiện nào thì sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi thuế quyết tâm đầu tư sản xuất mà chỉ tham gia để hưởng ưu đãi nếu thấy thị trường thuận lợi rồi sẽ chuyển sang ngành nghề khác sau khi được hưởng ưu đãi, và lại yêu cầu Chính phủ, Nhà nước có ưu đãi mới hoặc rời bỏ thị trường Việt Nam.
Trước tình hình kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có xu hướng tăng mạnh trong năm 2019, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP để tạo thuận lợi và khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước vào chương trình ưu đãi nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp xe trong nước duy trì sự tăng trưởng trước sức ép cạnh tranh gay gắt của xe nhập khẩu.
Đồng thời Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ bổ sung một chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất linh kiện ô tô nhập khẩu với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Trường hợp được Chính phủ thông qua chính sách ưu đãi mới này thì đây sẽ là chính sách hỗ trợ tốt cho ngành công nghiệp ô tô trước sức ép của ô tô nhập khẩu./.
Kim Chung