Cà phê “tỏa sáng”
Phát biểu tại buổi Họp thường niên Nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV),ôngnghiệpCònnhiềutháchthứbxhbd nga bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban thư ký PSAV, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việt Nam đang theo đuổi chính sách cởi mở về thị trường, đã tham gia ký kết, đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 FTA đang trong quá trình thực hiện, 7 hiệp định còn lại đã phê chuẩn và chờ ký kết.
Khi ký kết, thực hiện hàng loạt FTA, không còn rào cản về thuế quan đối với các DN XNK. Tuy nhiên muốn tiếp cận thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe, nhất là về chất lượng. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đúng mức trong toàn chuỗi. Đây lại là điểm yếu vì từ trước tới nay, đầu tư vào nông nghiệp khá hạn chế, đặc biệt là đầu tư trực tiếp FDI.
Đẩy mạnh việc triển khai PPP cũng nhằm mục tiêu quan trọng tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư, đồng thời cũng là để hưởng ứng tầm nhìn mới trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế thế giới, theo đuổi mục tiêu 20-20-20 là tăng 20% sản lượng, tăng 20% thu nhập cho người nông dân, giảm phát thải 20%...
Theo bà Hạnh, từ năm 2009, ngành nông nghiệp đã thành lập một số nhóm công tác ngành hàng theo hình thức PPP gồm: Cà phê, chè, gia vị hồ tiêu, thủy sản, hàng hóa tập trung, rau quả. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn có hai nhóm được thành lập thêm gồm hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp.
Suốt thời gian qua, hoạt động của các nhóm ngành hàng đạt được những kết quả khá tích cực, trong đó điển hình nhất chính là ngành hàng cà phê. Với nhóm ngành hàng cà phê, việc triển khai các dự án theo hình thức PPP đã giúp năng suất cà phê tăng lên 17%, thu nhập người nông dân tăng lên 14% và giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, gần đạt mục tiêu 20-20-20. Ngoài ra, dự án mô hình cà phê còn tiến hành tập huấn cho nông dân về sản xuất bền vững, hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu quốc gia, được áp dụng chung không chỉ trong dự án mà ở tất cả cả các tỉnh sản xuất cà phê trên cả nước.
Ngoài cà phê, đối với nhóm ngành hàng chè, thông qua dự án cũng đã xây dựng được bộ tài liệu sản xuất chè bền vững, tập huấn chè, tạo chuỗi cung ứng chè bền vững… Với nhóm rau quả, dự án cũng đã giúp cải thiện năng suất thông qua các hoạt động như tập huấn trồng trọt, tưới tiết kiệm, đưa giống mới vào sản xuất.
Ở nhóm hồ tiêu và hóa chất nông nghiệp: Thời gian qua, trong khuôn khổ dự án đã tiến hành một loạt hoạt động như ban hành chương trình hành động phát triển hồ tiêu bền vững, tổ chức diễn đàn tầm nhìn hồ tiêu để giữ được uy tín của hồ tiêu trên thị trường thế giới.
Thủy sản lùi một bước
Không có được kết quả tích cực như trên, nhóm ngành hàng thủy sản lại được đánh giá là bị lùi một bước so với các nhóm khác do nhiều yếu tố, trong đó có sự chuyển giao sang nhà đầu tư mới, đồng thời vai trò của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tham gia cũng chưa tích cực. “Đây là nhóm PPP, cần sự hợp tác của hai phía cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp nên cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý được chỉ định tham gia”, bà Hạnh nói.
Ở nhóm tài chính nông nghiệp, dù đã thực hiện một số kết nối doanh nghiệp, dự án và các ngân hàng. Tuy nhiên, những ngân hàng thương mại quốc tế đầu tư ở Việt Nam và ngân hàng thương mại lớn ở Việt Nam không có được “chân rết” ở huyện, xã, dẫn tới chi phí giao dịch cao nên khó thực hiện.
“Thời gian tới, để hoạt động các nhóm ngành hàng đạt kết quả tốt hơn, đề nghị cần sớm triển khai Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực nông nghiệp”, bà Hạnh nói.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên việc phát triển các nhóm ngành hàng theo hình thức PPP vẫn còn không ít thách thức. Điển hình là làm sao để có thể đẩy mạnh, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia mở rộng các mô hình đa triển khai, bởi hầu hết mô hình triển khai đều mới chỉ là mô hình điểm.
“Thực tế, đối với PPP trong nông nghiệp thời gian qua, sự tham gia của khối công chưa như mong đợi, như vậy cuối cùng có thể lại thành dự án của tư nhân. Ngoài ra, năng lực và kinh nghiệm thúc đẩy dự án còn hạn chế, đồng thời cũng chưa hình thành được mạng lưới chuyên gia trong vấn đề này…”, ông Tuấn nói.
Theo một số chuyên gia, vướng mắc còn xuất phát từ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án PPP còn khá khó khăn (hiện tại chưa có nguồn riêng, vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công). Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường có khả năng sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên thường kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư hơn so với các ngành khác. Hiện tại, chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm, hiểu và chủ động đề xuất, tham gia, thực hiện các dự án PPP trong các lĩnh vực thuộc ngành…