ĐỒ HỌA: HƯƠNG TRÀ Kết quả của bảng xếp hạng đã gây ra nhiều băn khoăn ở không ít người – nhất là những người trực tiếp có vai trò trách nhiệm hoặc giảng viên ở các trường đại học. Có thể sẽ còn những trao đổi nhiều nữa về các tiêu chí,ếphạngđạihọkêt quả.net sự tin cậy của thông tin, sự chuẩn xác của việc đánh giá vị trí của các trường… Tuy nhiên, có một điều cần ghi nhận, đây là việc làm hết sức cần thiết để, chí ít, nó có ý nghĩa tác động để các trường đại học nhìn nhận lại mình. Nếu nhìn một cách nhẹ nhàng thì nó giống như một người (một chủ thể nào đó) mà có ai đó quan tâm ngỏ lời góp ý. Đây là điều rất đáng được trân trọng. Xếp hạng là một cách đánh giá. Tất nhiên, sự đánh giá không phải lúc nào cũng đúng và khách quan. Ví dụ như việc xếp loại công chức viên chức, đảng viên cuối năm với một tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ (xin được gọi chung cho các danh hiệu thi đua) rất cao. Nhưng xã hội thì không nhìn nhận như vậy. Doanh nghiệp, người dân - là đối tượng mà bộ máy hành chính nhà nước phục vụ thì vẫn tiếp tục phàn nàn về cung cách phục vụ. Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đánh giá đều không đáng tin cậy. Trên thế giới, có nhiều tổ chức rất có uy tín trong việc này. Chẳng hạn các tổ chức đánh giá tín dụng lớn nhất trên thế giới hiện nay là các Công ty: Standard & Poor's (S&P), Moody's, và Fitch Group. Thậm chí là họ xếp hạng đối với các quốc gia và các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới dựa vào đó quyết định cho vay hay không cho vay, và cho vay nhưng với lãi suất cao hay thấp. Sự đánh giá của các tổ chức càng độc lập, càng có uy tín thì tính khách quan càng cao. Là lần đầu tiên công bố, kết quả xếp hạng Đại học Việt Nam của nhóm chuyên gia độc lập tạo nên những băn khoăn cũng là lẽ đương nhiên. Bởi để khẳng định được uy tín của một tổ chức cần phải có thời gian để xác nhận độ khách quan, khoa học, tin cậy. Tuy nhiên, điều chúng ta ghi nhận là những nỗ lực mà họ tạo ra, nó có tính chất mở đường cho việc minh bạch thông tin của hệ thống đại học Việt Nam đối với xã hội. Bởi vì họ hoạt động độc lập, mục tiêu là vô vụ lợi nên phần nào chúng ta có thể tin vào tính khách quan trong động cơ của họ. Bắt đầu từ năm 2005, khi lần đầu tiên VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) được sự trợ giúp của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (US-Aid) công bố chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), cũng có không ít những bàn luận. Phương thức đánh giá là đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với môi trường hoạt động của doanh nghiệp dựa trên một bộ tiêu chí. Đến nay, đã trải qua 12 năm, có thể nói kết quả xếp hạng PCI rất quan trọng đối với các tỉnh. Các tỉnh có thể nhìn vào đó để biết sự cảm nhận, đánh giá của doanh nghiệp về những lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, lĩnh vực nào tốt cần phát huy, lĩnh vực nào chưa tốt cần cải thiện. Nó quan trọng đối với chính quyền các tỉnh, là bởi, về mặt “đối nội”, PCI cho biết phần nào năng lực hoạt động của bộ máy; về mặt đối ngoại, bộ chỉ số này là những xác nhận, tác động để các nhà đầu tư cân nhắc, quyết định đầu tư. Còn nhớ, năm 2013 Thừa Thiên Huế được xếp thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Dư luận ở tỉnh lúc đó hàm chứa một sự “phấn khích” và tự hào về thành tích này. Tóm lại, xếp hạng luôn luôn là một vấn đề quan trọng đối với phát triển. Ngay bản thân sự xếp hạng đã tạo ra động lực cho sự phấn đấu của các tổ chức, cá nhân, địa phương, quốc gia. Chúng ta thường nghe: “Ở đời, chẳng ai cho không ai cái gì”. Rất có thể việc xếp hạng Đại học Việt Nam mà nhóm chuyên gia độc lập vừa công bố được xem như là “chi phí cơ hội” để đặt nền tảng cho một tổ chức có uy tín sau này!? Trên thế giới có những điều “rất lạ” trở thành bình thường. Ví dụ như khi xếp hạng tín dụng của tổ chức nào đó, thậm chí là một quốc gia, các chi phí là do bên được xếp hạng tín dụng phải trả. Cứ tưởng rằng điều này khó giữ được sự khách quan nhưng không phải vậy. Là vì không bao giờ họ chịu đánh đổi uy tín của họ có được trong quá trình xây dựng với một bề dày lịch sử. Bởi vậy mới có những tổ chức uy tín và đầy “uy lực” đối với hoạt động này. NGUYÊN LÊ |