Bố trí vốn phải phù hợp với tiến độ, năng lực giải ngân Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với hướng dẫn quy định tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2021. Trong đó, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn NSNN phải thực hiện đúng thứ tự ưu tiên theo quy định. Ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2021. Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải phù hợp với nội dung của hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2021 và không có khả năng gia hạn. Công văn nêu rõ, việc bố trí vốn NSNN năm 2021 phải đảm bảo đủ vốn NSNN năm 2021 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư. Bộ KH&ĐT nêu rõ, các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định của giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 phải tập trung bố trí vốn hoàn thành trong năm 2021, hạn chế tối đa việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án này. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021 theo tiến độ nhưng đảm bảo thời gian bố trí vốn của dự án theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Đầu tư công (dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm). Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất liên vùng, giao thông cấp bách, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư,…. Nhiều khó khăn trong cân đối vốn đầu tư công năm 2021 Liên quan đến kế hoạch đầu tư công 2021, mới đây, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ KH&ĐT, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông cho biết, do năm 2021 là năm chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, dự báo khả năng cân đối vốn đầu tư công năm 2021 sẽ khó khăn nên đề nghị các địa phương lựa chọn các dự án phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định. Dự kiến trong tháng 8/2020, Bộ KH&ĐT sẽ triển khai các hội nghị xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 (lồng ghép với kế hoạch 2021) với các địa phương theo 3 vùng, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương lớn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương trong các tháng cuối năm chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao bổ sung kế hoạch 2016-2020 và kế hoạch 2020, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách tăng cường giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm. Chủ động rà soát kỹ các khó khăn vướng mắc của các dự án chưa giải ngân/tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án ODA để chủ động điều chỉnh nội bộ trong địa phương hoặc đề xuất điều chuyển vốn sang các địa phương khác để Bộ KH&ĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền ngay trong tháng 8/2020. Về đề xuất công khai các đơn vị giải ngân chậm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng đây cũng là một giải pháp tạo sức ép đối với các đơn vị giải ngân thấp. Tuy nhiên, thời gian tới và trong tháng 8/2020, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo đợt một công tác rà soát cũng như điều chuyển kế hoạch vốn đối với các đơn vị giải ngân thấp tới các đơn vị giải ngân tốt hơn. Điều này phụ thuộc vào các tiêu chí, nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc cắt giảm cũng như nguyên tắc bổ sung thêm để làm sao đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. |