Khách quốc tế đến Việt Nam không cần "hộ chiếu vắc xin" | |
Bộ Ngoại giao: Hộ chiếu vắc xin của Việt Nam được 10 đối tác công nhận | |
Phú Quốc đón chuyến bay quốc tế đầu tiên theo "hộ chiếu vắc xin" |
Việt Nam hiện là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất trên thế giới. Ảnh internet. |
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu triển khai hộ chiếu vắc xin điện tử từ ngày 20/12/2021, theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp chứng nhận hộ chiếu vắc xin. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, hiện biểu mẫu hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được công nhận với 17 quốc gia.
Sau khi ban hành quyết định này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để xây dựng các hệ thống cấp giấy chứng nhận hộ chiếu vắc xin, cũng như chỉnh sửa một số chức năng chữ ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Trong tuần qua, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm chứng nhận điện tử tiêm vắc xin Covid-19 tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện E. Kết quả triển khai cho thấy, hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vắc xin điện tử. Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ triển khai hộ chiếu vắc xin điện tử trên toàn quốc. Việc này sẽ giúp cho người dân thuận lợi trong việc đi lại và giao thương quốc tế.
Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đang làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vắc xin. Nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng này thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vắc xin. Kết quả là một mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, khi thực hiện triển khai cấp hộ chiếu vắc xin thì tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ có một mã QR được hiển thị trên ứng dụng PC COVID cũng như ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử của Bộ Y tế phục vụ cho việc kiểm soát khi ta đi ra nước ngoài.
Thời hạn của mã QR có giá trị 12 tháng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu, để đảm bảo tính bảo mật. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, không ảnh hưởng đến việc sử dụng hộ chiếu vắc xin của người dân. Sau 12 tháng hệ thống sẽ tự động khởi tạo mã QR khác. Việc này giống như đổi mật khẩu sau một khoảng thời gian của các ứng dụng ngân hàng điện tử.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước đó, quy trình cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:
Bước 1, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Bước 2, Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 với 8 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vắc xin được gắn một mã code).
Bước 3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Hộ chiếu vắc xin cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc xin; sản phẩm vắc xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; mã số của chứng nhận.