【bxh albania】Mua 100% vốn trong công ty Việt Nam, hai cách hiểu khác nhau
Cần ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất các thủ tục, trình tự thực hiện cho NĐTNN mua lại toàn bộ phần vốn góp, cổ phần trong tổ chức kinh tế đã được thành lập hợp pháp tại Việt Nam. |
Theo điều 26, Luật Đầu tư năm 2014, đối với hình thức đầu tư mua lại vốn điều lệ trong công ty, NĐTNN sẽ thực hiện thủ tục: (i) đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp mua lại dưới 51% vốn điều lệ trong công ty không có ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho NĐTNN (thay đổi thành viên); hoặc (ii) phải đăng ký mua phần vốn góp, cổ phần trong công ty nếu mua lại từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc mua lại vốn điều lệ trong công ty có ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho NĐTNN (đăng ký mua vốn) trước khi phải thực hiện thêm thủ tục thay đổi thành viên.
Với những quy định trên, có thể thấy rằng Luật Đầu tư 2014 đã quy định khá chi tiết về thủ tục đầu tư áp dụng cho NĐTNN khi mua lại vốn điều lệ trong công ty theo những trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những cách hiểu khác nhau của cơ quan cấp phép trong trường hợp NĐTNN mua lại toàn bộ (100%) vốn điều lệ.
Cách giải quyết trong thực tế của cơ quan cấp phép
Trong quá trình tư vấn và hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục mua lại 100% vốn điều lệ của công ty, chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay vẫn tồn tại hai cách hiểu và cách áp dụng về thủ tục đầu tư này tại cơ quan cấp phép ở nhiều địa phương khác nhau. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc NĐTNN mua lại toàn bộ vốn điều lệ sẽ thuộc trường hợp thực hiện thủ tục mua lại từ 51% vốn điều lệ trở lên và NĐTNN sẽ thực hiện thủ tục đăng ký mua vốn trước khi thay đổi thành viên.
Quan điểm thứ hai cho rằng việc NĐTNN mua lại toàn bộ vốn điều lệ được xem như là hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khi đầu tư vào Việt Nam do cùng dẫn đến việc NĐTNN sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty. Do đó, NĐTNN phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và sau đó thực hiện thủ tục thay đổi thành viên.
Việc có những quan điểm và cách áp dụng thủ tục khác nhau của cơ quan cấp phép ở từng địa phương đã gây rất nhiều khó khăn cho NĐTNN khi đầu tư tại Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Nên hiểu và áp dụng thủ tục này như thế nào cho đúng?
Điểm đầu tiên có thể nhận thấy là thủ tục đầu tư thành lập mới và thủ tục đăng ký mua vốn được quy định để áp dụng cho các trường hợp đầu tư là hai hình thức đầu tư độc lập và khác nhau. Cụ thể, hình thức đầu tư thành lập dự án mới và doanh nghiệp mới sẽ cho ra đời một pháp nhân mới trong khi việc mua lại vốn điều lệ chỉ thực hiện đối với một công ty đã được thành lập và vẫn đang hoạt động hợp pháp.
Tiếp theo, xét về quyền mua vốn điều lệ của NĐTNN(1) thì NĐTNN có quyền mua phần vốn góp, cổ phần của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để trở thành thành viên, cổ đông của công ty. Khi đó, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐTNN trong công ty sẽ phụ thuộc vào cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên (cam kết quốc tế). Trường hợp cam kết quốc tế không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐTNN thì họ hoàn toàn có quyền được mua 100% vốn điều lệ trong công ty để trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty.
Ở đây, về mặt ngữ nghĩa, quy định việc mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến NĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế tại điều 26.1.b của Luật Đầu tư năm 2014 có thể được hiểu là việc mua từ 51% đến tối đa là 100% vốn điều lệ. Do đó, một cách hợp lý là khi mua 100% vốn điều lệ, NĐTNN và công ty sẽ được thực hiện theo các thủ tục áp dụng cho trường hợp mua từ 51% vốn điều lệ trở lên. Điều 46.2 của Nghị định 118/2016/NĐ-CP cũng khẳng định rằng khi NĐTNN đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế thì không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vì vậy, chúng tôi thấy rằng quan điểm thứ nhất có nhiều điểm hợp lý hơn quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, do vẫn còn một số cách hiểu khác nhau từ cơ quan nhà nước nên thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cấp bộ cần ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất các thủ tục, trình tự thực hiện cho NĐTNN mua lại toàn bộ phần vốn góp, cổ phần trong tổ chức kinh tế đã được thành lập hợp pháp tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho các cơ quan cấp phép địa phương có cơ sở pháp lý khi hướng dẫn NĐTNN thực hiện thủ tục đầu tư một cách thống nhất, đồng thời cũng giúp cho các NĐTNN thuận tiện trong việc ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.
(1) Điều 22.3, điều 24.1 và điều 25.2, của Luật Đầu tư năm 2014