Tôi đã từng ao ước mình có thể chụp ảnh,i ybongda.wap.vn du doan quay phim, viết bài… rồi sau đó bài viết, tấm ảnh, thước phim của mình có thể được đăng báo, phát trên đài, trên tivi… Trong đầu tôi luôn nghĩ những người làm báo chắc phải rất tài giỏi, cao siêu và công việc của họ chắc là khó lắm…
Từ khi có bài được đăng trên Báo Sông Bé, tôi chăm chú đọc hết từng bài, từng trang và cảm thấy rất vui khi bài viết của mình đã được sử dụng, được có mặt bên cạnh những tên tuổi trong làng báo chí. Cảm giác lâng lâng, bồi hồi xao xuyến và ước mơ trở thành phóng viên, trở thành nhà báo lớn dần… Dần dà tôi nhận ra mình có năng khiếu viết lách, viết những cảm nhận về vạn vật xung quanh, những bài viết ngắn giàu cảm xúc được báo, đài sử dụng là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục với nghiệp cầm bút sau này.
Thanh Vĩnh - Hưng cát, 2 phát thanh viên trong chuyến công tác
Tờ báo đầu tiên tôi cộng tác là tờ Sông Bé của tỉnh nhà. Sau này là Báo Bình Phước, Báo Nhân Dân, Báo Hải Phòng, Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, Báo Giác Ngộ và Tạp chí Văn nghệ một số tỉnh… Nhờ làm cộng tác viên mà tôi quen biết khá nhiều phóng viên, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, các biên tập viên… Họ đã động viên, gợi ý, định hướng, dẫn dắt tôi đến với văn chương. Và qua đó tôi thêm hiểu và yêu quý hơn những người làm báo. Những biên tập viên tôi biết, tôi gặp và đã từng làm việc, trao đổi bài vở, tôi nhận thấy họ có chung một phẩm chất cao quý, đó là tế nhị, gần gũi, chân tình, luôn động viên khơi gợi và định hướng. Nhờ nắm bắt được yêu cầu của từng thể loại báo chí mà bài viết của tôi ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở các báo, đài, tạp chí.
Đậm nét trong tôi nhất là chuyến công tác Trường Sa cùng đoàn công tác số 4 vào tháng 4-2018. Đoàn Bình Phước có các nhà báo: Đoàn Như Viên, Lê Hưng Cát và Nguyễn Đình Tấn. Những đại biểu trên tàu HQ 561 cảm thấy mệt hay say sóng thì nghỉ ngơi tại tàu, còn các nhà báo thì luôn trong tư thế sẵn sàng xuống ca nô lên các đảo. Từ ca nô vào đảo, nếu gặp sóng to thì hết sức gian nan. Sóng nhồi cao hàng chục mét khiến con người trở nên vô cùng nhỏ bé trước đại dương mênh mông. Những hôm sóng to gió lớn, lượng người được lên các đảo hạn chế, chỉ ưu tiên cho các nhà báo lên ghi hình, chụp ảnh và viết tin. Chúng tôi đứng trên boong tàu luyến tiếc nhìn với theo, thầm ganh tị, ngưỡng mộ và tự hào về các nhà báo ấy. Thấy được mật độ làm việc, khối lượng công việc và trách nhiệm trong công việc của họ, khiến chúng tôi không khỏi cảm kích và quý mến.
Ấn tượng nhất là nhà báo Lê Hưng Cát. Bạn ấy năng động và rất vui tính. Khi giao lưu với lính đảo, bạn ấy là một quản trò hóm hỉnh. Bạn xông xáo đi phỏng vấn, ghi hình, ghi chép. Khi quay trở lại tàu, mọi người tắm rửa, nghỉ ngơi, ngồi trên boong ngắm mặt biển xanh thăm thẳm, ngắm từng đợt sóng nhè nhẹ vỗ về mạn tàu, hoặc dõi theo đàn cá heo bơi theo tàu một cách thân thiện, đôi lúc lại nhảy lên khỏi mặt nước biểu diễn mua vui chào đón các đại biểu của tàu HQ 561. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, quay video làm kỷ niệm thì lúc đó bạn Hưng Cát cùng với Thanh Vĩnh (Vĩnh Phúc) đang cặm cụi viết tin. Bản tin mỗi tối đều đặn được phát trên tàu, vừa viết vừa biên tập, vừa là MC. Tôi biết hai bạn ấy chẳng có thời gian để nghỉ ngơi như bao người khác. Những bản tin sống động luôn hấp dẫn, qua đó chúng tôi biết được một ngày trôi qua đoàn đã đi đâu, làm gì, gặp gỡ những ai trên các đảo… Chao ôi, cảm xúc thật diệu kỳ, ai nấy đều thầm cảm ơn những nhà báo có mặt trên tàu đã biên tập, đưa tin kịp thời, hết sức bổ ích. Và tôi biết đó cũng chính là những tư liệu quý giá, đi vào các bài viết, thước phim khi bạn ấy trở về đất liền.
Đoàn của tỉnh Bình Phước có 13 thành viên, từ khi bước lên tàu, chúng tôi coi nhau như anh em một nhà. Vậy nên, khi biết tin nhà báo Lê Hưng Cát đang cấp cứu bởi cơn đau quặn thận, chúng tôi lo lắng tột độ, nét âu lo thể hiện trên nét mặt của từng thành viên, dù trước nay chúng tôi chưa hề thân thiết. Cứ nghĩ, giữa trùng khơi sóng nước mà ốm đau thì làm thế nào? Có trực thăng ra đưa vào đất liền cấp cứu kịp thời không? Những ngày đó sóng biển khá lớn, tàu lắc lư suốt đêm khiến ai nấy mệt nhoài, say sóng thật khó chịu, có hôm cả ngày không ăn được gì mà bị nôn ói suốt… Thời tiết có an hòa không, nếu sóng to gió lớn hơn nữa người khỏe chưa chắc chịu nổi, nói gì đến người bệnh. Bao tâm sự ngổn ngang, chúng tôi vội dắt nhau lên phòng cấp cứu thăm Hưng Cát. Đưa các đoàn đi là tàu Bệnh viện HQ 561 có dấu chữ thập đỏ to đùng cũng làm chúng tôi yên tâm phần nào. Anh bác sĩ cười tươi trấn an chúng tôi. Vậy mà sáng hôm sau, Hưng Cát và Đình Tấn lại lỉnh kỉnh vác máy lên đảo cùng với mọi người như chưa hề đau bệnh gì. Tinh thần, thái độ và trách nhiệm làm việc của các nhà báo trên tàu HQ 561 (tỉnh nào cũng cử các nhà báo tham gia đoàn để ghi hình, chụp ảnh và đưa tin) khiến mọi người hết sức yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ.
Để có góc ảnh đẹp, đoạn phim hay, những người quay phim có thể nằm xoài ra đất, hoặc sóng cao vùi dập ca nô như chực chờ nuốt chửng nhưng các nhà báo vẫn cẩn thận chống ướt cho máy móc, còn mình thì mặc cho nước biển mặn chát rát mặt, áo quần ướt sũng… Khi về đất liền, xem những thước phim được phát trên VTV1, BPTV1, hình ảnh và các bài viết được đăng trên các trang báo khiến tôi xao xuyến mãi. Hình ảnh được tái hiện sống động, chân thực khiến người xem thêm yêu “Tổ quốc nơi đầu sóng”, yêu quê hương và yêu cả những người đang ngày đêm bảo về vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Cộng tác thường xuyên với các báo, đài, tôi có cơ hội được làm quen, kết bạn với các biên tập viên, phóng viên, MC, nhiều nhất là các bạn ở BPTV… Qua đó tôi học được tác phong, thái độ của các bạn khi làm việc, trao đổi góp ý. Tôi thấy được nhiệt huyết, đam mê và cống hiến của các bạn như Thanh Nhàn, Đoàn Hằng, Đức Hòa, Hoài Duy, Hưng Cát… Các bạn làm rất nhiều việc với nhiều vai trò khác nhau như viết tin, bài, biên tập, dàn dựng, MC… Vì thế, chương trình của BPTV rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Nhiều bạn bè ở các tỉnh, thành khác khi thấy tôi đăng lên trang Facebook cá nhân những đường link bài văn, bài thơ được đăng, phát, các bạn ấy rất tâm đắc.
Không những cộng tác thường xuyên với BPTV, tôi còn là người giới thiệu, mời gọi các bạn có khiếu viết lách, đam mê sáng tác cùng gửi bài tham gia, nhất là những hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có khả năng viết văn, viết thơ nhưng sử dụng máy vi tính có hạn. Tôi không nề hà đánh máy và mail giúp bài vở. Niềm đam mê sáng tác của bạn cũng chính là động lực giúp tôi hăng say sáng tác, gửi cộng tác với các báo, đài trong và ngoài tỉnh.
Từ đam mê viết lách, qua các kênh của báo, đài, các bài viết của tôi được dịp lan tỏa rộng rãi đến khán, thính giả, độc giả gần xa. Được nghe tác phẩm của mình và của bạn bè trên sóng, tôi lại càng đam mê. Cảm giác háo hức đợi chờ chương trình mình yêu thích, giây phút nghe tên tác phẩm, tên của mình được nhắc tới mới tuyệt làm sao. Rưng rưng niềm xúc động khi tác phẩm của mình được lên báo, lên sóng đài phát thanh, lên tivi, được lan tỏa điều mình ấp ủ, điều mình muốn nói đến với công chúng, góp phần tuyên truyền, lan tỏa những điều tốt đẹp, câu chuyện nhân văn giàu ý nghĩa; đồng thời làm phong phú thêm cho chương trình, góp phần quảng bá để thương hiệu BPTV phát triển tốt đẹp hơn nữa. Tôi tự hào bản thân mình đã đồng hành với BPTV trong suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, những sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh nhà. Và, nếu được lựa chọn nghề nghiệp lần nữa, tôi muốn là một phóng viên, hoặc một nhà báo, hoặc chí ít là một cộng tác viên đầy nhiệt huyết cộng tác lâu dài với BPTV yêu thương.
Ngô Thị Ngọc Diệp
(Hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam;
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước;
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Đồng, TP. Đồng Xoài)