Trong 24 giờ qua, thế giới có trên 223.000 ca bệnh và trên 5.100 ca tử vong. 3 nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong 24 giờ qua vẫn là Mỹ (trên 64.000 ca), Brazil (trên 41.000 ca) và Ấn Độ (27.728 ca). 3 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là 3 nước châu Mỹ: Brazil (1.144 ca), Mexico (730 ca) và Mỹ (726 ca). Bất chấp số ca nhiễm mới tăng gấp đôi trong 6 tuần qua, ngày 10/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vẫn có khả năng kiểm soát được đại dịch COVID-19. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các mẫu bệnh phẩm từ Tây Ban Nha, Italy, Hàn Quốc hay ổ dịch lớn nhất của Ấn Độ đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát nhưng cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được kiềm chế thông qua các biện pháp tích cực. Ông nói: "Các mẫu bệnh phẩm gửi về từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy kể cả khi đại dịch đang bùng phát, vẫn có khả năng kiểm soát được. Các biện pháp mạnh như xét nghiệm, truy vết, cô lập và chữa trị với những người mắc bệnh là chìa khóa giúp phá vỡ chuỗi lây lan của virus". Tổng giám đốc WHO cho rằng có thể xoay chuyển tình hình hiện nay nếu triển khai các biện pháp mạnh cùng với sự đoàn kết của các quốc gia lẫn cộng đồng quốc tế. Châu Mỹ Mỹ: Mississippi thiếu giường bệnh, Nevada đóng cửa lại quán bar Tại bang Mississippi, 5 bệnh viện lớn đã báo cáo về tình trạng thiếu giường dành cho các bệnh nhân phải điều trị chuyên sâu (ICU), trong khi 4 bệnh viện khác đã sử dụng tới hơn 95% số giường điều trị hiện có. Mississippi là một trong những bang có số bệnh nhân COVID-19 gia tăng nhanh nhất tại Mỹ. Thống đốc bang Mississippi - ông Tate Reeves - cho biết kể từ ngày 13/7, người dân sống tại 13 hạt có tỷ lệ mắc COVID-19 mới tăng nhanh nhất tại bang này sẽ phải đeo khẩu trang khi tới những nơi công cộng, trong khi các doanh nghiệp phải xét nghiệm COVID-19 đối với toàn bộ nhân viên. Còn tại Nevada, Thống đốc Steve Sisolak cho biết bang này sẽ thực hiện lại các hạn chế đối với những quán bar ở một số khu vực trong bối cảnh gia tăng các trường hợp mắc COVID-19. Hiện bang này ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc COVID-19 với 574 ca tử vong. Nevada đã phải chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mới mắc COVID-19 kể từ khi khôi phục lại các hoạt động kinh doanh hồi tháng trước.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - ông Anthony Fauci - cho biết không nên thúc đẩy tiến trình mở cửa trở lại tại các bang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19 ở Mỹ. Trả lời phỏng vấn báo The Hill, ông giải thích rõ rằng quan điểm của ông không có nghĩa là các bang ở Mỹ trở lại thời kỳ hạn chế triệt để nhằm phòng chống dịch COVID-19, nhưng các bang đang có tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng cần thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn ví dụ như đóng cửa các quán bar và cấm các cuộc tụ tập đông người. Tuyên bố của ông Anthony Fauci trái ngược hoàn toàn với những nhận định của Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần cho rằng các diễn biến dịch bệnh tại Mỹ là không quá nghiêm trọng và luôn hối thúc chính quyền các bang nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. Tổng thống lâm thời Bolivia dương tính với virus SARS-CoV-2
Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez thông báo bà đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Trên mạng xã hội Twitter - bà Añez khẳng định sức khỏe vẫn bình thường và sẽ vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian cách ly. Bà Añez đã kiểm tra sức khỏe và làm xét nghiệm sau khi nhiều thành viên trong nội các và các trợ lý thân cận mắc COVID-19. Thông tin về việc nhà lãnh đạo tạm quyền Bolivia mắc COVID-19 được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Bộ trưởng Y tế nước này María Eidy Roca xác nhận đã dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay, Chính phủ Bolivia cho biết đã có ít nhất 7 bộ trưởng mắc COVID-19 và đang điều trị cách ly. Tính đến 6 giờ sáng 11/7 (giờ Việt Nam), Bolivia đã ghi nhận 44.113 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1.638 ca tử vong. Bộ Y tế Bolivia dự báo đỉnh dịch tại nước này có thể đến trong khoảng tháng 8 và 9, thời điểm dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Bộ trưởng Sản xuất Peru mắc COVID-19
Chính phủ Peru thông báo Bộ trưởng Sản xuất nước này Rocío Barrios đang tự cách ly do mắc COVID-19 sau khi dẫn đầu đoàn công tác phụ trách cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực Loreto thuộc vùng rừng rậm Amazon, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này. Bộ trưởng Barrios, 46 tuổi, là thành viên thứ hai trong nội các của Tổng thống Martín Vizcarra mắc COVID-19. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Peru Jorge Montenegro đã hồi phục sau khi mắc bệnh vào đầu tháng 5 vừa qua. Trước đó, Peru ngày 30/6 đã chính thức kết thúc giai đoạn cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Theo thông báo của Tổng thống Martin Vizcarra, kể từ ngày 1/7 sẽ chỉ còn 7 trên tổng số 25 vùng của Peru vẫn phải thực hiện lệnh cách ly do nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Ông Vizcarra cũng khẳng định chính phủ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó nếu trong trường hợp COVID-19 bùng phát trở lại, thậm chí là tái ban bố lệnh cách ly bắt buộc khi diễn biến xấu đi. Peru hiện vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với 319.646 ca nhiễm, trong đó có 11.500 ca tử vong. Châu Á Ấn Độ đóng cửa trở lại một số địa phương
Ngày 10/7, Ấn Độ thông báo có 27.728 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ lên gần 822.570, trở thành tâm dịch lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil về số ca nhiễm. Trong bối cảnh đó, chính quyền New Dehli đã tái áp đặt các biện pháp đóng cửa tại bang đông dân nhất và một trung tâm công nghiệp, nơi đặt các công ty chế tạo ô tô, các công ty dược phẩm và các công ty bia rượu. Bộ Y tế Ấn Độ cũng cho biết có trên 21.000 người tử vong tại Ấn Độ kể từ ca nhiễm đầu tiên phát hiện hồi tháng 1 năm nay. Thủ đô New Delhi, cùng với bang Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, và bang Tamil Nadu ở miền Nam chiếm khoảng 60% số ca nhiễm. Do nóng lòng muốn khởi động nền kinh tế bị tê liệt do dịch bệnh và đưa hàng triệu người dân quay trở lại làm việc, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đầu tháng 6 vừa qua đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa với 1,3 tỷ dân được áp đặt hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới đã buộc một số bang và thành phố công nghiệp lớn tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Một lệnh giới nghiêm 9 ngày được áp đặt tại Aurangabad - thành phố công nghiệp ở Maharashtra, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty chế tạo ô tô như Bajaj Auto. Bang đông dân nhất Ấn Độ, Uttar Pradesh, sẽ đóng cửa 2 ngày từ cuối ngày 10/7 khi số ca nhiễm COVID-19 ở đây vượt qua 32.000. Trung Quốc: Hong Kong đóng cửa trường học Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong sẽ tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học sau khi số ca mắc mới COVID-19 tại đây tăng mạnh làm gia tăng nguy cơ làn sóng lây lan mới trong cộng đồng. Giới chức đã xác nhận thêm ít nhất 30 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 9/7, đặc khu này thông báo có thêm 42 ca mắc, trong đó có 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng. Kể từ khi xuất hiện ca mắc bệnh đầu tiên hồi cuối tháng 1/2020, tới nay, Hong Kong có tổng cộng 1.366 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong. Các ca mắc mới được ghi nhận trong 2 ngày gần đây chủ yếu liên quan tới 2 ổ dịch, gồm một nhà dưỡng lão ở khu Tsz Wan Shan và một ổ dịch khác có liên quan tới 2 nhà hàng. Bên cạnh đó, nhiều ca mắc mới trong cộng đồng được phát hiện trong thời gian gần đây có liên quan tới các trường học. Hơn 10 trường tiểu học và trung học cơ sở có các lớp nguy cơ lây nhiễm cao vì các học sinh và giáo viên tiếp xúc gần với các ca đã được xác nhận mắc bệnh. Chuyên gia Y tế David Hui thuộc đội phòng dịch của chính quyền Hong Kong cho biết diễn biến dịch bệnh trong 2 ngày qua rất đáng lo ngại, mỗi ngày đều ghi nhận một số ca không rõ nguồn lây bệnh tại các khu vực khác nhau đồng thời cảnh báo nếu không thực hiện biện pháp truy dấu tiếp xúc một cách chặt chẽ, nguy cơ cao dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Nhật Bản: Số ca mới mắc COVID-19 ở Tokyo cao nhất
Chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 243 ca mắc COVID-19 trong ngày 10/7. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản và là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 200. Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura - quan chức phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 ở Nhật Bản - ngày 10/7 khuyến cáo các hộp đêm ở nước này phải hành động nhanh chóng để đảm bảo tuân thủ những quy định nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, sau khi các khu phố giải trí ban đêm trở thành điểm nóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm mới liên tục tăng. Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 20.719 ca mắc COVID-19, trong đó 982 ca tử vong. Hàn Quốc bắt đầu cấm hoạt động tụ tập nhóm nhỏ tại các nhà thờ Ngày 10/7, Hàn Quốc bắt đầu cấm các nhà thờ tổ chức các cuộc tụ tập nhỏ, ngoại trừ hoạt động cầu nguyện định kỳ nhằm ngăn ngừa COVID-19 lây lan. Kể từ 18 giờ ngày 10/7, các nhà thờ cấm hoạt động tụ tập nhóm nhỏ như các lớp Kinh thánh, tập luyện hợp xướng hay các bữa ăn chung, trong bối cảnh Hàn Quốc đã ghi nhận các ổ nhiễm mới liên quan đến hoạt động tụ tập quy mô nhỏ tại các nhà thờ. Bên cạnh đó, các nhà thờ sẽ kiểm soát danh sách ra vào thông qua hệ thống điện tử quét mã QR. Hệ thống này hiện mới chỉ áp dụng tại các khu vực có nguy cơ mắc COVID-19 cao như các quán bar, câu lạc bộ, trường luyện thi và các trung tâm logistics. Kể từ khi nới lỏng các giãn cách xã hội vào đầu tháng 5, các ổ dịch tại Seoul và vùng phụ cần tiếp tục tăng lên, trong đó có nhiều ca liên quan đến các cơ sở tôn giáo. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này đã ghi nhận thêm 45 ca nhiễm mới trong ngày 10/7, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.338 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 22 ca lây nhiễm trong nước. Tổng số ca tử vong hiện nay ở mức 288 ca. Israel ghi nhận 1.441 ca mắc bệnh trong ngày Ngày 10/7, Bộ Y tế Israel thông báo nước này ghi nhận 1.441 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 36.266 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong đang là 351 ca. Israel được đánh giá là một trong những quốc gia sớm ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đã gia tăng kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại hồi tháng 5 vừa qua. Phát biểu họp báo, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thừa nhận trách nhiệm khi cho phép các cơ sở kinh doanh mở lại quá sớm. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó có việc đóng cửa các hộp đêm, quán bar, phòng tập gym, hồ bơi công cộng... Số người được phép tụ tập ở nơi công cộng hay các cơ sở thờ tự cũng bị giới hạn. Australia: Bang Victoria ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục
Ngày 10/7, bang Victoria của Australia - bang đông dân nhất nước này - thông báo ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay, với 288 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã kêu gọi người dân ở các khu vực đô thị của thủ phủ Melbourne đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Chính quyền bang Victoria đã thông báo kể từ ngày 8/7 tái áp đặt phong tỏa trong 6 tuần đối với hơn 5 triệu dân tại thành phố Melbourne nhằm kiểm soát số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh. Trước tình hình bang Victoria ghi nhận số ca bệnh mới tăng mạnh trở lại, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 10/7 tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 50% số công dân ở nước ngoài được phép nước mỗi tuần. Kể từ tháng 3 vừa qua, Australia chỉ cho phép công dân nước này và người cư trú lâu dài trở về nước, nhưng Thủ tướng Morrison cho biết giờ đây chính phủ sẽ giới hạn trên toàn quốc số người được phép trở về. Theo ông Morrison, trong những tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 8.000 người trở về Australia. Tuy nhiên, từ ngày 13/7 tới, tối đa mỗi tuần chỉ có 4.000 người được về nước. Châu Âu Italy cấm nhập cảnh người đến từ 13 nước Chính phủ Italy đã ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 13 nước mà Italy xác định có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Theo sắc lệnh được Bộ Y tế Italy ký cùng với sự đồng thuận của các bộ Ngoại giao, Nội vụ và Giao thông của nước này, các nước nằm trong danh sách tạm cấm nhập cảnh Italy gồm Armenia, Bahrain, Bangladesh, Bosnia, Brazil, Chile, CH Dominica, Kuwait, Bắc Macedonia, Moldova, Oman, Panama và Peru. Đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng 242.639 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.938 ca tử vong. Tốc độ lây lan dịch đã chậm lại tại Italy. Anh tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng dịch
Trong khi đó, tại Anh, Bộ trưởng Văn hóa nước này Oliver Dowden cùng ngày thông báo tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại xứ England. Theo đó, các bể bơi ngoài trời cùng với nhiều trung tâm thể thao khác được mở cửa trở lại từ ngày 11/7, nhưng các bể bơi trong nhà đến ngày 25/7 mới được nối lại hoạt động. Các sân khấu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời cũng sẽ được phép hoạt động trở lại từ ngày 11/7, nhưng hạn chế số khán giả. Tương tự, chính quyền Scotland cũng thông báo nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch. Cụ thể, người dân tại Scotland sẽ được tụ tập ngoài trời từ ngày 10/7, trong khi các trung tâm thương mại, hiệu làm tóc có thể mở cửa trở lại từ tháng 7 này. Anh là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Tính đến sáng 11/7, Vương quốc Anh ghi nhận tổng cộng 288.133 ca mắc, trong đó có 44.650 ca tử vong. Do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Anh đang đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn của hãng BBC, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng Anh đang bước vào một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này, và điều này chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến tình trạng thất nghiệp. Chính phủ Anh đã đưa ra gói biện pháp mới nhằm hỗ trợ việc làm và thúc đẩy kinh tế trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi đất nước sau đại dịch. Gói hỗ trợ mới trị giá 2 tỷ bảng Anh sẽ được triển khai để tạo việc làm mới cho giới trẻ tại Anh. Na Uy dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Âu Từ ngày 15/7 tới, Na Uy sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với hơn 20 nước tại châu Âu, trong đó có Pháp, Đức và Anh, cũng như 3 trong số 21 tỉnh của quốc gia láng giềng Thụy Điển. Trước đó, công dân và người nước ngoài sinh sống ở Đan Mạch, Iceland và Phần Lan đã được phép vào Na Uy từ ngày 15/6. Đây là những nước đầu tiên được Na Uy nối lại việc đi lại sau khi chính quyền Oslo quyết định đóng cửa biên giới từ giữa tháng 3 nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, Na Uy vẫn không cho phép những người đến từ Bulgaria, Croatia, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Romania và Hungary, 18 tỉnh của Thụy Điển và các nước bên ngoài châu Âu cũng như các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh nước này. Tuy nhiên, người dân Na Uy trở về từ những nước trên sẽ phải cách ly 10 ngày. Na Uy hiện không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng thuộc khu vực tự do đi lại Schengen. Tính đến nay, Na Uy ghi nhận 8.968 ca mắc COVID-19, trong đó có 252 tử vong. Bỉ mạnh tay với người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang Chính phủ Bỉ đã quyết định mở rộng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn lãnh thổ từ ngày 11/7. Theo quy định mới, cùng với quy định bắt buộc đeo khẩu trang đã được áp dụng trên các phương tiện công cộng, từ ngày 11/7, mọi người dân Bỉ phải đeo khẩu trang khi có mặt tại các cửa hàng, các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, các trung tâm biểu diễn, hội trường, hội nghị, các địa điểm tôn giáo, bảo tàng và thư viện. Những người không tuân thủ quy định trên, sẽ phải chịu án phạt lên tới 250 euro. Trong khi đó, các cửa hàng không tuân thủ nghiêm các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang đối với khách hàng và nhân viên sẽ bị buộc phải đóng cửa. Theo TTXVN |