Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là nơi duy nhất của Việt Nam tập trung hầu hết các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, như: Khu tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình, Nghệ thuật bài chòi… Bên cạnh đó, nhiều bãi biển, hệ thống hang động tự nhiên… là lợi thế vượt trội để thu hút du khách, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch dịch vụ phát triển. Đó cũng chính là cơ sở và là tiền đề để các địa phương trong vùng có sự liên kết trong phát triển du lịch. Có thể xem “Ba địa phương - một điểm đến” của du lịch miền Trung là biểu hiện sinh động của liên kết vùng, vấn đề có ý nghĩa cấp thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương nói riêng và vùng nói chung. Liên kết vùng được hiểu theo PGS.TS. Lê Văn Đính, là những mối quan hệ phối hợp, hợp tác thường xuyên, ổn định trong các hoạt động (lĩnh vực kinh tế có vị trí trọng tâm) do các địa phương, đơn vị trong một vùng thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và bảo đảm lợi ích cho các địa phương tham gia. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như liên kết ngành, liên kết giữa các chủ thể chức năng và liên kết không gian (bao gồm liên kết nội vùng và liên kết vùng). Liên kết vùng, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua, cũng là nội dung quan trọng được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Năm 2022, Bộ Chính trị cũng đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 6 vùng: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm 5 tỉnh, thành (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Quy hoạch Vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã tạo ra cơ sở trong việc thực hiện liên kết vùng. Thừa Thiên Huế được định hướng là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm của miền Trung và đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa. Huế cũng được định hướng là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, y tế chuyên sâu, giáo dục… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định, đẩy mạnh liên kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt là trong giao lưu văn hóa và liên kết phát triển du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ sinh học; khoa học khám, chữa bệnh và giải quyết các vấn đề như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Tăng cường liên kết, xây dựng tuyến đường bộ ven biển; hoàn thành cao tốc nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Liên kết các cảng biển, cảng hàng không với Đà Nẵng tạo thành cửa ngõ giao thương quốc tế, phát triển toàn diện các dịch vụ logistics phục vụ miền Trung, Tây Nguyên và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett có câu nói nổi tiếng: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Ý của Buffett là trong làm ăn cần độc lập quyết đoán, biết đoàn kết và lựa chọn đồng đội (cùng làm ăn) thông minh. Buffett là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, liên tục đứng trong top 10 do tạp chí Forbes bình chọn, tài sản ước khoảng 104 tỷ USD (tính đến tháng 3/2023). Còn ông cha ta xưa thì lại có cách nói ví von và dân dã: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Suy cho cùng, hàm ý vẫn là sự liên kết để phát triển. |