Công nhân, người lao động trong một buổi đối thoại với cấp chính quyền Hà Nội. |
Theo đó, 1.100 đại biểu chính thức dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1 - 3/12/2023, sẽ tham gia thảo luận tại 10 diễn đàn, đề xuất sáng kiến để giải quyết vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới thông qua 10 chủ đề cụ thể.
Tại diễn đàn còn có sự tham dự, trao đổi của các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành thuộc các lĩnh vực, chuyên đề thảo luận…
Các diễn đàn được tổ chức trước ngày Đại hội chính thức diễn ra nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào Văn kiện Đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Diễn đàn số 1 có chủ đề thảo luận “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Những kết quả, thuận lợi, khó khăn từ việc thực hiện các quy định của pháp luật, Điều lệ Công đoàn và thực tiễn thực hiện công tác vận động, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở; những biện pháp, giải pháp định hướng trọng tâm của Đại hội, làm cơ sở để Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức triển khai nâng cao hiệu quả trong công tác vận động, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong nhiệm kỳ mới.
Diễn đàn số 2 có chủ đề thảo luận “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ)”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Giải pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và các cấp Công đoàn; tác động của các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động tới CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn góp phần thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các địa phương, đơn vị và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các các phong trào thi đua; CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Diễn đàn số 3 có chủ đề thảo luận “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Thực trạng hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể thời gian qua, xác định những điểm “nghẽn”, những bất cập, “khoảng cách” giữa mong muốn của đoàn viên, người lao động, các đối tác 3 bên đối với tổ chức Công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể; dự báo diễn biến, bối cảnh quan hệ lao động thời gian tới để xác định tầm nhìn, trọng tâm ưu tiên và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu đối với tổ chức Công đoàn, các bên trong quan hệ lao động nhằm thúc đẩy hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028, góp phần xây dựng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Diễn đàn số 4 có chủ đề thảo luận “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là gì và vì sao Công đoàn cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; các hoạt động, kinh nghiệm tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là gì và Công đoàn cần tập trung vào những hoạt động chủ yếu nào, vận dụng kinh nghiệm gì để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật hiệu quả; các cấp Công đoàn cần làm gì và làm như thế nào để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật hiệu quả nhất để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong tình hình mới; những nhóm vấn đề lớn nào cần kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong thời gian tới.
Diễn đàn số 5 có chủ đề thảo luận “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Công tác xây dựng tài chính Công đoàn phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính, tài sản Công đoàn. Tăng cường công tác quản lý thu tài chính Công đoàn, chi tài chính Công đoàn tiết kiệm, hiệu quả; tăng chi trực tiếp cho đoàn viên, người lao động; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động.
Đổi mới cơ chế phân cấp tài chính Công đoàn theo hướng toàn diện, triệt để. Quản lý chặt chẽ tài sản Công đoàn. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính, đảm bảo minh bạch. Thực hiện kiểm toán tài chính đối với các Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có đông đoàn viên, người lao động. Tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp Công đoàn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Thực hiện cơ chế giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp Công đoàn theo mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Công đoàn; đổi mới quản lý vốn của tổ chức Công đoàn đầu tư vào doanh nghiệp.
Diễn đàn số 6 có chủ đề thảo luận “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Công đoàn”.