Trong đó, UBTVQH yêu cầu Chính phủ sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (NSNN).
Huy động nguồn lực cho xã hội, giảm gánh nặng ngân sách
Hiện nay nước ta đã thành lập trên 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách và nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách rất đa dạng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành và được thành lập ở các địa phương với quy mô, mức độ khác nhau.
Các quỹ này hiện có thể phân loại theo chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động như: nhóm quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, nhóm quỹ phát triển khoa học công nghệ, môi trường, nhóm quỹ an sinh, trật tự xã hội, nhóm quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nếu phân loại theo mối quan hệ với NSNN, có các quỹ hình thành và hoạt động độc lập với NSNN, có nguồn thu và nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách; quỹ được ngân sách hỗ trợ vốn điều lệ, không hỗ trợ kinh phí hoạt động; quỹ được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động và vốn điều lệ. Theo phân cấp quản lý, thì có quỹ trung ương quản lý; quỹ do địa phương quản lý; quỹ có phân cấp giữa trung ương và địa phương…
Đối với các quỹ do trung ương quản lý, theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch năm 2019, tổng thu của các quỹ là hơn 502 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng hơn 907 nghìn tỷ đồng.
Qua tổng hợp báo cáo của 41 địa phương cho thấy, tổng số dư các quỹ của địa phương năm 2018 là 18.268 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là: Quỹ Phát triển đất, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phát triển nhà ở và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (chiếm tỷ trọng khoảng 85% tổng số dư các quỹ tài chính ngoài ngân sách địa phương).
Qua giám sát mới đây của UBTVQH cho thấy, việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ của một số quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này. Về cơ bản các quỹ đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với NSNN; quy định về tỷ lệ thu, mức thu chưa hợp lý ở một số quỹ; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao…
Bãi bỏ quỹ hoạt động không hiệu quả
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính... Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật.
Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội; trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính. Báo cáo Quốc hội xem, xét quyết định đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ngoài ra, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ do địa phương quản lý, xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát hoạt động của các quỹ này, sử dụng nguồn lực của quỹ hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đối với những sai phạm, tồn tại, Chính phủ cần chấn chỉnh kịp thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn lực nhà nước tại các quỹ.
Tại phiên giám sát của UBTVQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất kiên quyết trong đề nghị xóa bỏ một số loại quỹ cũng như không đồng tình với một số đề xuất của bộ, ngành khi làm luật thì luật nào cũng đề xuất có quỹ. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ các quỹ này.
Minh Anh