Thời gian qua,ệnThanUyênNhiềutiềmnăngquảngbávănhóagắnvớipháttriểndulịket qua nhat 2 huyện Than Uyên đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của địa phương. Toàn huyện hiện có 6 di tích cấp tỉnh, trong đó, 5 di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh gồm: Khu Đồn Pháp (xã Phúc Than), căn cứ hoạt động của Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lai Châu (xã Mường Kim), Hang Tà Mung (xã Tà Mung), Quần thể hang động Bản Mè (xã Ta Gia) và Thẳm Đán Chể (xã Mường Kim).
Cùng với đó là hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa truyền thống dân gian của các đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Khơ Mú…, từ kiến trúc nhà, trang phục truyền thống, làn điệu dân ca dân vũ, đến ẩm thực (với những món ăn độc đáo của đồng bào vùng cao như: Cáy Pỉnh, Mo, Pa Pỉn Tộp, Khẩu Hốc, Nhứa Giảng…).
Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã góp phần tạo sức hấp dẫn du khách gần xa đến với huyện Than Uyên, hình thành một số điểm du lịch được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Chợ đêm Ta Gia, chợ phiên Nậm Pắt (xã Tà Mung), vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu; điểm du lịch Thẳm Phé, xã Mường Kim; điểm du lịch đồi thông Khu 7, thị trấn Than Uyên; điểm du lịch Love hill Khu 9, thị trấn Than Uyên; đồi thông bản Chít, Cọn nước bản Sang Ngà, Nà Phát (xã Phúc Than), cánh đồng Mường Than, xã Mường Than…
Đến thời điểm hiện tại, đã có 3 điểm du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, đó là: Điểm du lịch Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu; điểm du lịch bản Thẳm Phé, xã Mường Kim; điểm du lịch bản Nam, bản Củng, xã Ta Gia.
Ước tính tổng số khách du lịch đến với Than Uyên từ đầu năm 2024 tới nay đạt hơn 314 nghìn lượt, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này được cho là còn khá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của Than Uyên.
Tại Hội nghị kết nối phát triển du lịch huyện Than Uyên năm 2024 vừa diễn ra ngày 28/11, ông Lò Văn Hương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đề nghị ủy ban nhân dân huyện, các phòng ban liên quan, các xã, thị trấn, điểm du lịch cần xây dựng thêm nhiều tour du lịch xuất phát từ thị trấn Than Uyên kết nối đi các điểm khác. Tại các điểm du lịch, cần xây dựng nội dung giới thiệu, có các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa.
Được biết, triển khai Nghị quyết 59 của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện Than Uyên cũng như các địa phương khác trong tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp, các lễ hội truyền thống.
Đồng thời tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian. Cuối tháng 9/2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên vừa khai giảng lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Thái. Học viên được giới thiệu bảng chữ cái, truyền đạt về cách đọc, viết, phiên âm, thanh điệu, chữ viết dân tộc Thái… Qua đó góp phần bảo tồn và giữ gìn nét đẹp chữ viết của dân tộc Thái.
Mặt khác, huyện Than Uyên chỉ đạo 100% trường học tổ chức 1 buổi sinh hoạt chung giữa giờ với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc cho học sinh; tổ chức trình diễn trang phục dân tộc tại phố đi bộ nhân dịp 2/9 và Tết dương lịch…
Theo dự kiến, thời gian tới, huyện Than Uyên sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả những sản phẩm du lịch độc đáo như Vịnh Pá Khôm "Viên ngọc biếc của Tây Bắc", "Khám phá làng cá Thẳm Phé - Vịnh Pá Khôm", đồi thông Than Uyên "Đà Lạt thu nhỏ"… Đây cũng là một kênh hữu hiệu để quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Định hướng lớn của huyện là tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả các hoạt động thường niên nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Bình Minh