Theo UBND TPHCM, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu. Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường), doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57 - 75% nhu cầu thị trường. Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là trên 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Thành phố có 3 chợ đầu mối nông sản cung ứng thị trường đạt bình quân 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả), vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 10.000 - 13.000 tấn/ngày; 47 trung tâm thương mại, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp và 132 siêu thị huyên ngành), hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động với Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch phục vụ Tết từ sớm, sẵn sàng phương án cung ứng những ngày cận Tết tăng từ 02 - 03 lần so với ngày thường; giá tương đối ổn định, không có nhiều biến động và luôn được niêm yết với giá bán thống nhất trên toàn hệ thống; đồng thời giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết, 1 tháng sau Tết. Thống kê cho thấy, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4 - 5% so với Tết Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu và các hành vi gian lận thương mại đã được tăng cường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đợt cao điểm tháng 1/2023, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 2.624 vụ, thu nộp ngân sách trên 9,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 7,7 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 10,85 tỷ đồng. Cùng với đó, việc giám sát thị trường xăng dầu đã được cơ quan chức năng TPHCM triển khai quyết liệt trong thời gian nghỉ Tết, qua đó kịp thời chấn chỉnh, giám sát nhiều cửa hàng gián đoạn trong việc bán xăng, dầu, ổn định thị trường... |