(CMO) Cúm gia cầm là dịch bệnh rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ của cộng đồng nếu để dịch bùng phát. Đến nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng chống.
Theo thống kê, hiện Cà Mau có khoảng 1,2 triệu con gia cầm và 122.000 gia súc, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và Cái Nước.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc là biện pháp quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường.
Theo phát động của Bộ NN&PTNT, hằng năm, ngành chức năng tổ chức 2 đợt phun thuốc tiêu độc khử trùng, nhưng tỉnh tổ chức phun xịt định kỳ 4 lần/năm với tổng số hoá chất trên 13.000 lít. Hiện các địa phương trong tỉnh đã tổ chức phun xịt hoàn thành đợt 1 và 2 với khoảng 6.500 lít hoá chất.
Cùng với đó, công tác quản lý tổng đàn, tiêm vắc-xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi luôn được thực hiện đúng định kỳ. Tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn gia cầm, 90% đàn gia súc. Nhờ làm tốt công tác tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh mà trong 2 năm gần đây các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 và bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng trên đàn vật nuôi trong tỉnh giảm đáng kể.
Huyện Cái Nước, Trần Văn Thời là những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm không nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, trước đây do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh cùng với việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm khó kiểm soát nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Nay công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh lưu truyền ngoài môi trường tự nhiên được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất trên đàn gia súc, gia cầm. Các đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng tập trung tại các khu dân cư, nơi xảy ra các ổ dịch trước đây, các điểm kinh doanh gia cầm sống tại các chợ, các điểm kinh doanh sản phẩm động vật.
Một số hộ dân nuôi gia cầm số lượng nhỏ cũng đã có ý thức trong việc phòng bệnh cho gia cầm.
Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 ổ dịch heo tai xanh và lở mồm long móng ở 4 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời do mầm bệnh lây truyền từ heo nhập tỉnh. Các ổ dịch đều được cơ quan thú y và chính quyền địa phương kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng. Cùng với giá heo hơi tăng cao, giá gà, vịt cũng tăng, người dân đang đẩy mạnh việc nuôi mới, tái đàn ồ ạt.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy khuyến cáo: “Khi tái đàn, người nuôi phải thực hiện việc khai báo tổng đàn với chính quyền địa phương, để chủ động vắc-xin tiêm phòng và phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại”.
Một số hộ dân nuôi gia cầm số lượng nhỏ cũng đã có ý thức trong việc phòng bệnh cho gia cầm.
Trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, việc xây dựng chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, bà con chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó, mầm bệnh thải ra môi trường nhiều. Vì vậy, phun khử trùng tiêu độc là biện pháp quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, từ đó hạn chế dịch bệnh bùng phát./.
Hiện các địa phương trong tỉnh đã tổ chức phun xịt hoàn thành đợt 1 và 2 với khoảng 6.500 lít hoá chất.
Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh lưu truyền ngoài môi trường tự nhiên được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất trên đàn gia súc, gia cầm.