BP - Hồi mới chuyển công tác vào Bình Phước,ếnglogravengthaothứbảng xếp hạng quốc gia thổ nhĩ kỳ mỗi lần đi cơ sở, tôi chỉ mong gặp được người cùng quê. Với một tỉnh dân góp của đủ 63 tỉnh, thành nên thôi thì đủ thứ tiếng. Dù đã cố gắng nhưng tôi không thể nào quen được với âm ngữ nặng trịch, dấu hỏi, dấu ngã lung tung của người vùng Nam Trung bộ, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, cũng không thể quen được với lối nói có nhiều từ tượng hình của người vùng Tây Nam bộ. Thường thì tôi phải nhờ một người làm phiên dịch để không phải té ngửa khi nghe những từ như “xe độp”, “lồm an”, “con cháo”... Có lần phỏng vấn một người mà tôi không thể rõ tên ông ấy là Cam hay Côm, đành phải chìa sổ để ông viết vào cho chắc ăn. Lại có lần tiếp xúc với nhân vật nhưng tôi không thể biết người ấy tên Vân hay Dân, hay Dâng. Lại chìa sổ để họ ghi vào. Vì thế, khi gặp được một người nói tiếng quê mình, tôi mừng như được của.
Những ngày đầu trên vùng đất mới, tôi thèm được nghe tiếng quê mình xiết bao. Ra chợ, tôi dỏng tai lên để cố tình đến mua hàng của người cùng quê. Rồi hỏi thăm bác, chị ở huyện nào, vào đây đã lâu chưa, làm ăn có khó lắm không? Cách xa quê nhà hàng ngàn cây số, khi nghe tiếng “bay, choa”, “ri, rứa”, tôi như thấy cầu Hàm Rồng sừng sững ngay trước mặt, cảm nhận rõ vị nem chua và rượu gạo cay nồng. Rồi chẳng bao lâu, tôi phát hiện ra rằng người quê tôi ở Đồng Xoài nhiều hơn tôi tưởng. Đất chật, người đông, làm ăn khó khăn, thất bát, người quê tôi ly tán khắp nơi, kể cả những nơi heo hút nhất. Mỗi khi gặp được người cùng quê là nông dân sản xuất giỏi hay người có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào, tôi rất tự hào. Dân quê tôi ít người làm to, chỉ làm dân thường mà là người có ích, được xã hội ghi nhận thì đáng tự hào rồi. Nhưng có lần đi công tác cùng một vị lãnh đạo tỉnh vào xã Bù Gia Mập để giải quyết vụ “giám đốc lâm trường trộm điều của dân”, vị cán bộ tỉnh nhìn quanh rồi chỉ vào tôi, bảo đồng hương cô đấy. Thì ra một nhóm người quê tôi vào tận xó rừng này đốt rừng làm rẫy, bị người của lâm trường cảnh cáo nhiều lần nhưng họ vẫn không bỏ đất. Nhằm hôm giám đốc lâm trường đi thị sát, họ hè nhau tóm lấy vị giám đốc, khoác vào cổ ông một túi hạt điều rồi hô hoán lên là cán bộ lâm trường ăn cắp điều của dân. Tôi nói đùa với vị lãnh đạo tỉnh rằng chỉ người quê tôi mới có “tinh thần cảm tử” như thế, nhưng lòng thì nhoi nhói. Rồi thi thoảng nghe đài, đọc báo nói về những vụ giết chóc, cướp của, hiếp dâm... cũng loáng thoáng có sự tham gia của người quê mình. Có anh bạn cùng quê nhăn nhó bảo, thật chẳng dám nhận mình là người quê mình nữa. Mất mặt quá!
Bạn tôi muốn chối bỏ gốc gác của mình vì sợ mất mặt trước những gì đám đồng hương bất hảo gây ra, nhưng còn giọng nói của anh thì không sao chối bỏ được. Người quê tôi có thể nhại đủ thứ tiếng, nhưng tiếng quê tôi thì đố ai nhại được. Ngoài những thổ ngữ đặc trưng thì thứ âm ngữ nằng nặng, ngang ngang của quê tôi không dễ gì bỏ được. Có người sống ở nước ngoài hơn nửa đời người mà về quê vẫn nói rặt tiếng quê. Và không hiểu sao, tiếp xúc với những người như thế, tôi vẫn thích hơn là những người chẳng còn giữ được gốc gác gì.
Đã hơn nửa đời người xa quê, tôi vẫn giữ giọng nói quê nhà chỉ đơn giản là tôi đã sinh ra, lớn lên ở đó. Tôi thích giọng nói của mình không phải vì nó hay, nó dịu dàng mà đơn giản là tôi muốn được nói, muốn được nghe giọng nói của chính mình. Mỗi khi nhà có những vị khách quê, những thổ ngữ, âm ngữ quê nhà lại được dịp tuôn trào khi có người tung kẻ hứng. Nó gợi nhớ trong tôi về từng bờ tre, ngõ xóm, những liếp vườn, đồng bãi. Nó nhắc nhớ tôi là một người nhà quê. Với tôi, tiếng quê chính là tiếng lòng thao thức.
Thảo Nguyên