Cán bộ Cục Thuế Phú Yên hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử. Ảnh: Tuấn Nguyễn >> Bài 2: Cơ quan thuế tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp >> Bài 1: Doanh nghiệp còn e dè, chờ đợi Tuy nhiên, việc áp dụng HĐĐT vẫn còn gặp trở ngại bởi tâm lý chần chừ, chờ đợi của DN..., phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) xung quanh vấn đề này.
PV: Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ về HĐĐT được cho là một bước tiến dài trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Vậy HĐĐT đem lại lợi ích gì cho DN và cơ quan thuế, thưa ông? Ông Lưu Đức Huy: Theo tôi, HĐĐT góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, góp phần hạn chế tình trạng làm giả hóa đơn. Việc sử dụng HĐĐT giúp DN rút ngắn các bước quy trình phát hành và các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, tối thiểu hoá thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho mỗi hóa đơn so với việc sử dụng hoá đơn giấy. | Ông Lưu Đức Huy |
Khi sử dụng HĐĐT, DN không cần chờ đợi nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống, mà chỉ trong vài cú nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào trong điều kiện có máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... được kết nối internet; DN cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Đồng thời, HĐĐT còn giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy…
Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khi DN sử dụng HĐĐT cơ bản các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, DN chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng HĐĐT và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận. DN không phải đăng ký mẫu HĐĐT, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo HĐĐT cho phép tự xác định số lượng hóa đơn sử dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng HĐĐT không chỉ giúp DN giảm chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế, mà còn giúp cơ quan thuế và cơ quan khác thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình. Khi toàn bộ DN triển khai HĐĐT, cơ quan Thuế sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu về hóa đơn, từ đó có thể phục vụ hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro với DN, cá nhân kinh doanh…
PV: Nghị định 119/2018/NĐ-CP cũng quy định rất rõ về lộ trình các DN phải chuyển sang sử dụng HĐĐT, tuy nhiên đến nay số lượng DN sử dụng HĐĐT vẫn còn khá ít, thậm chí là chậm chạp, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Ông Lưu Đức Huy:Thực tế, hiện hầu hết các địa phương đều đã có DN sử dụng HĐĐT, đa phần tập trung ở một số ngành, lĩnh vực có sử dụng nhiều hóa đơn như: Điện lực, viễn thông, nước và một số DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác. Một số địa phương các DN đã chấp hành rất tốt việc chuyển dần sang sử dụng HĐĐT như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh…
Theo tôi, việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT là yêu cầu tất yếu, đáp ứng một hệ thống thương mại hiện đại, văn minh và minh bạch. Tuy nhiên, để HĐĐT trở nên phổ cập cần rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý và DN cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN Việt Nam.
Tôi cho rằng, việc chậm chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT của các DN xuất phát từ thói quen, để phá vỡ thói quen cố hữu và kiên cố trên cần phải có một “cuộc cách mạng” và thành công chắc chắn không thể đến trong một sớm, một chiều. Để HĐĐT đi vào cuộc sống, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ, hợp lý; cần có cơ chế khuyến khích phát triển và có lộ trình phù hợp.
Trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn, cơ quan thuế đã lấy ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, hầu hết ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, DN nên sớm chuyển sang sử dụng HĐĐT. Ý kiến của các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, DN không nên chờ đến thời gian “bắt buộc phải sử dụng” mới thực hiện chuyển đổi, mà các DN lớn nhỏ nên sớm chuyển đổi sử dụng nhằm tạo sự đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý với DN khi HĐĐT được sử dụng rộng rãi.
PV: Ông vừa nói là cần phải có lộ trình, vậy ngành Thuế đã có kế hoạch và lộ trình gì để thúc đẩy DN sớm chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT trong khi thời gian bắt buộc không còn nhiều, thưa ông?
Ông Lưu Đức Huy:Từ khi thí điểm đến nay, trong các kế hoạch hiện đại hóa; kế hoạch tuyên truyền, cơ quan thuế luôn tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích của HĐĐT đến cộng đồng DN. Cùng với đó, cơ quan thuế đã phối hợp tích cực với các cấp ngành liên quan, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ miễn phí và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình sử dụng HĐĐT.
Tôi cho rằng, các DN nên sớm tìm hiểu và chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT, nếu không sớm chuyển đổi, tôi e rằng DN sẽ bị tụt hậu so với DN sớm sử dụng HĐĐT.
PV: Xin cảm ơn ông! Văn Tuấn (thực hiện) |