(CMO) "Ngày còn nhỏ, hễ thấy gánh hát về quê là y như rằng phải đi coi cho bằng được. Nhìn các nghệ sĩ hát trên sân khấu đẹp lắm, lung linh lắm và lúc nào cũng vừa coi vừa khấn Tổ phù hộ cho con một ngày được trở thành đào hát như thế”. Ðó là tâm sự của Nghệ sĩ Ngọc Xanh về niềm đam mê nghề hát của mình.Xuất thân trong gia đình nhà nông, lại được sự yêu thương và ủng hộ hết mực của cha mẹ nên con đường theo đuổi nghệ thuật của Ngọc Xanh tương đối bằng phẳng. Chị kể, ngày bé vì quá đam mê ca hát nên đánh liều xin gia đình tham gia Ðội Ðờn ca tài tử Vĩnh Thuận ở tận Kiên Giang. Ðây chính là bước đệm đầu tiên để cô bé Ngọc Xanh tiếp cận với cải lương, có điều kiện học hành bài bản về loại hình nghệ thuật này. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp khoá Trung cấp diễn viên cải lương tại Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh), trải qua một vài đoàn hát để trau dồi nghề nghiệp cho vững vàng hơn, đến năm 1996, Ngọc Xanh quyết định chọn Ðoàn Cải lương Hương Tràm làm bến đỗ để phát triển nghệ thuật. Ngoại hình không quá đẹp, cũng không nổi tiếng như các cô đào cùng thời, song, con đường hoạt động nghệ thuật của Nghệ sĩ Ngọc Xanh cứ như một dòng sông phẳng lặng trôi theo quy luật vốn có của nó. Hơn 25 năm góp vào đời tiếng khóc, cười, cũng là ngần ấy thời gian chị học hỏi và phấn đấu hết mình để có thể hoá thân thật trọn vẹn cho những vai diễn trên sân khấu.
Nghệ sĩ Ngọc Xanh tâm sự, chị không hề kén vai mà luôn muốn thử sức ở tất cả các thể loại tính cách nhân vật. Thần tượng nghệ sĩ tài danh Hồng Nga từ những ngày còn nhỏ nên khi bước vào nghề hát chị luôn xem "Nữ quái kiệt" là tấm gương lớn để noi theo. Từng cách luyến láy, nhả chữ, điệu bộ diễn xuất của Nghệ sĩ Hồng Nga đều được Ngọc Xanh học hỏi và biến nó thành của riêng cho mình. Chị ra sức tập luyện và không chịu bó hẹp trong một khuôn khổ, cũng chưa bao giờ trong lòng người nghệ sĩ có ý nghĩ phân biệt vai chính hay phụ. Theo chị quan niệm, mỗi nhân vật đều có một vai trò riêng, góp phần gắn kết để tạo nên chất lượng của một tác phẩm. Trước khi nhận bất kỳ vai diễn nào, chị cũng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kịch bản, phân tích nhân vật để có thể hoàn thành vai diễn tròn trịa nhất. Có lẽ vì vậy, mặc dù “chuyên trị” những vai đào nhì, đào ba nhưng tên tuổi của Ngọc Xanh vẫn được công chúng yêu mến. Nếu như với những vai diễn tính cách, độc lẳng chị nhập vai xuất thần đến nỗi khán giả ghét cay ghét đắng thì cũng chính chị lại thản nhiên lấy đi nước mắt của họ khi vào những vai đào mùi, bi hay những vai người mẹ cách mạng. Nhiều lần Ngọc Xanh đóng vai ác trong các vở cải lương, chị nhập vai đến nỗi khán giả bức xúc và phản ứng mạnh như đòi đánh hay chọi đá lên tận sân khấu. Chị sợ đến phát khóc, tưởng chừng như không dám diễn nữa, nhưng sau đó lại cảm thấy rất hạnh phúc vì biết rằng nhân vật của mình đã thành công. Thành công với sở trường cải lương, nhưng điều đặc biệt cái tên Ngọc Xanh còn được biết đến với vai trò là một diễn viên hài rất duyên dáng. Lấn sân sang lĩnh vực hài kịch từ năm 1996, từ sự gợi ý của Ðạo diễn Tiến Dương (nguyên Trưởng Ðoàn Ca múa nhạc Minh Hải), ban đầu chị cũng không mấy tự tin, bởi theo suy nghĩ của chị, nghệ thuật hài rất khó và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có nhiều tố chất khác nhau. Ấy vậy mà với tiểu phẩm hài đầu tiên "Xã trưởng, mẹ Ðốp" của tác giả Tiến Dương khi được chị hợp diễn cùng Nghệ sĩ Quốc Tín rất "ăn rơ", làm cho khán giả cười nghiêng ngã. Ngọc Xanh - Quốc Tín trở thành đôi nghệ sĩ hài được yêu mến từ đó. Chất hài trên sân khấu của Quốc Tín - Ngọc Xanh không ồ ạt, diễn cương vô lối nhằm lấy "tiếng cười đại trà" mà cứ duyên dáng một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực này, chị luôn trăn trở và chọn lọc những tiểu phẩm, trong đó nhân vật phải mang ý nghĩa nhân sinh quan, góp phần giáo dục đối với công chúng. Vào nghề khi còn quá trẻ và con đường học vấn gián đoạn khi vừa xong lớp 9, tự nhận thấy kiến thức văn hoá hạn hẹp sẽ là nhược điểm đối với người nghệ sĩ, nên mặc dù khá bận rộn biểu diễn, lại còn vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, nhưng Ngọc Xanh vẫn cố dành quỹ thời gian vốn rất quý báu của mình cho việc bổ sung kiến thức. Miệt mài bổ túc kiến thức để có bằng trung học phổ thông, rồi sắp sửa hoàn thành chương trình đại học, chị tự hào khoe bằng nụ cười rạng rỡ: "Gần 50 tuổi mà vẫn còn học đại học thì nhiều khó khăn lắm, sự nhanh nhạy không được như xưa nhưng tôi vẫn cố gắng để nâng tầm hiểu biết và giá trị của hai tiếng nghệ sĩ. Việc học không đặt nặng vấn đề bằng cấp, mà mong muốn lớn nhất là trở thành tấm gương để các con nhìn vào đó mà quý trọng con đường học vấn". Nhiều năm theo nghề nên khi lật lại ký ức chị có quá nhiều kỷ niệm. Những câu chuyện buồn vui được chị gợi lại với những nụ cười đôi lúc pha lẫn nước mắt. Nhớ nhất là những lúc đoàn đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa hay gặp mưa gió, lầy lội. Có lúc tàu của đoàn lưu diễn gặp sự cố sắp chìm rất nguy hiểm... Những lúc như thế, tất cả anh em nghệ sĩ trong đoàn đều động viên nhau cố gắng vượt qua để hoàn thành đêm diễn... Nhìn về chặng đường đã đi qua, chị tạm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Chồng chị, Nghệ sĩ Quốc Tín hiện là Trưởng Ðoàn Cải lương Hương Tràm, nhiều năm qua là chỗ dựa vững chắc, luôn hỗ trợ, động viên và giúp đỡ chị mỗi khi gặp chông chênh trên con đường nghệ thuật. Hai người con hết lòng hiếu thảo, tuy không theo nghề hát của cha mẹ nhưng vẫn làm nghệ thuật ở những hướng khác nhau. Con trai lớn ngoài việc làm cảnh trí sân khấu còn là một hoạ sĩ vẽ truyện tranh, con trai út theo học ngành thiết kế hội hoạ tại Trường Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh. Ðó là những thành quả ngọt ngào, là động lực để chị tiếp tục phấn đấu trong nghề. Nghệ sĩ Ngọc Xanh cho rằng, có lẽ chị đã nợ cuộc đời một kiếp cầm ca nên mặc dù tuổi đã lớn chị vẫn chưa bao giờ có ý định một ngày sẽ "về hưu", bởi sân khấu chính là hơi thở, là nguồn đam mê chưa bao giờ vơi cạnu Trần Hoàng Phúc
|