【nhận định trận pháp】Có dấu hiệu giấu nợ xấu?
Tồn tại xu hướng giấu nợ
Ngày 6-5, trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học An ninh tài chính tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thay mặt nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Tô Trung Thành, đã trình bày nghiên cứu sơ bộ về thực trạng an ninh tài chính Việt Nam giai đoạn 2006-2014. PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng: An ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam từ 2006-2014 có thể chia làm 3 giai đoạn nhỏ. Giai đoạn 2006-2007 các chỉ số tương đối ổn định mặc dù đã bộc lộ một số dấu hiệu rủi ro gây bất ổn tới an ninh tài chính. Giai đoạn 2008-2011 các dấu hiệu thời kỳ trước đã "phát bệnh", các biến số kinh tế vĩ mô xấu đi nhanh chóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính; Còn từ 2012-2014 một số chỉ tiêu phục hồi nhưng rủi ro tiềm ẩn đến an ninh tài chính vẫn trực chờ.
Đi sâu phân tích trong lĩnh vực ngân hàng, nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy: Quy mô vốn của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam có tăng nhưng so với trung bình của khu vực (3-4 tỷ USD) thì vẫn còn bé nhỏ. Hiện tại, chỉ có Vietinbank và Vietcombank đạt mức vốn tự có trên 2 tỷ USD, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn tự có trung bình chỉ đạt gần 0,3 tỷ USD/ngân hàng. Hơn nữa, với một số ngân hàng thương mại nhỏ, việc tăng vốn quá nhanh trong một thời gian ngắn khiến hoạt động quản trị khó khăn, nợ xấu và sở hữu chéo có thể xảy ra như kinh nghiệm xấu của một số ngân hàng thương mại.
Điều đáng lưu ý, nghiên cứu cho thấy: Những ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất lại có mức an toàn vốn nhỏ nhất. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng thương mại nhà nước thường thấp hơn 3% so với toàn hệ thống; 2% với các ngân hàng thương mại cổ phần; thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó ngân hàng thương mại nhà nước lại chiếm đến hơn 40% thị phần huy động và cho vay toàn thị trường.
"Điều này có thể là tiềm ẩn không nhỏ đe dọa an toàn của cả hệ thống" - nhóm nghiên cứu đánh giá.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng có việc tồn tại xu hướng giấu nợ để tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng lên. Bởi nếu trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng thì ngay lập tức tỷ lệ an toàn vốn phải giảm xuống, nhưng thực tế cho thấy mức an toàn vốn của các ngân hàng vẫn tăng đều qua các năm.
Như vậy, có dấu hiệu các ngân hàng giấu nợ, hoặc đảo nợ bằng cách đưa vào hạng mục "tài sản khác" làm cho Tài sản có rủi ro giảm xuống.
Ngân hàng phát triển thiếu bền vững
Nhắc đến mức độ an toàn vốn của ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc Trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank phân tích: Nếu tính đúng, tính đủ các loại rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường... và xác định chính xác vốn tự có thực (loại bỏ vốn ảo do sở hữu chéo) của các ngân hàng thương mại theo yêu cầu của Basel II (Hiệp ước quốc tế về vốn Basel mới- PV) thì hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại thấp hơn nhiều so với các số liệu công bố.
"Điều này cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của các ngân hàng Việt Nam" - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đánh giá.
Theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần tiếp tục giảm vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức hợp lý theo lộ trình. Nhà nước chỉ nên nắm giữ 51%-65% cổ phần tùy theo quy mô của từng ngân hàng.
Một khi Nhà nước vẫn nắm cổ phần chủ yếu như hiện nay thì các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước sẽ không có sự bứt phá, tính minh bạch trong quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình với cổ đông rất hạn chế. Do đó, giảm sự can thiệp hành chính, trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại hoạt động theo quy luật thị trường và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước các cổ đông; trong đó có cổ đông nhà nước.
Thừa nhận mức phát triển nhanh chóng của hệ thống tài chính Việt Nam, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: Từ 2 ngân hàng và 1 công ty bảo hiểm trước năm 1998; đến cuối năm 2014 đã có 96 ngân hàng thương mại (gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài); 945 tổ chức tín dụng phi ngân hàng; 165 tổ chức kinh doanh chứng khoán; 58 doanh nghiệp bảo hiểm.
"Tính đến cuối năm 2014, hệ thống ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng chiếm 76% tổng tài sản hệ thống tài chính. Kéo theo đó là vấn đề rủi ro hệ thống do mô hình tập đoàn ngân hàng (công ty con chứng khoán, bảo hiểm...), sở hữu chéo, do tâm lý bầy đàn" - TS. Cấn Văn Lực nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, không có mô hình ổn định tài chính, tiền tệ nào là siêu việt và lý tưởng. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương ngày càng giữ vai trò quan trọng trong ổn định tài chính - tiền tệ.
"Nên nghiên cứu thành lập Hội đồng ổn định tài chính - tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, đầu mối; Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyên gia... là các thành viên" - ông Lực đề xuất.