Nhìn tổng thể thống kê về cổ phần hóa,ạytiếnđộhaychờthờicơket quả trực tuyến thoái vốn nửa đầu giai đoạn 2016-2020 có thể nhận ra những khác biệt rất rõ rệt. Có những đợt cổ phần hóa, thoái vốn “thắng đậm, hàng hết, giá cao” như trường hợp Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (thu 5.414,65 tỷ đồng), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (thu gần 7.000 tỷ đồng), hay thoái vốn Sabeco (thu gần 110.000 tỷ đồng), Vinamilk (thu 9.000 tỷ đồng)... nhưng, ở chiều ngược lại, nhiều thương vụ lại không đạt kỳ vọng, thậm chí rất thấp. Điển hình như thương vụ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex Bình Dương (chỉ bán được hơn 6% cổ phần chào bán); Tổng công ty Phát điện Genco 3 (bán được chưa đầy 3%); Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà (bán được tương đương 0,35% lượng chào bán),... với số tiền thu lại ít ỏi.
Thực tế này đặt ra một vấn đề cần suy nghĩ. Đó là, mặc dù tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn đang rất chậm so với kế hoạch cần phải thúc đẩy nhanh chóng, song đã đến lúc phải nhìn câu chuyện này cả dưới góc độ hiệu quả. Bán nhiều nhưng hiệu quả không cao thì có nên bán?
Ngay như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị liên tục thành công với nhiều thương vụ "khủng" nhưng nếu xét về kế hoạch, doanh nghiệp này mới "hoàn thành nhiệm vụ" được một nửa.
Rõ ràng DNNN là món hàng "hời" nhưng nhiều lần bị các nhà đầu tư "thờ ơ". Nguyên nhân đã từng được một vị chuyên gia kinh tế nhận định rằng do "sai thời điểm". Chẳng hạn như bung hàng quá nhiều một lúc, dĩ nhiên nhà đầu tư chỉ có thể lựa chọn cái tốt hơn; chẳng hạn như bán gói quá lớn, nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính; hay khách quan hơn là giá cả chưa hợp lý hoặc thị trường không thuận lợi,...
Với kinh nghiệm 12 năm về quản trị, đầu tư và là “người” bán vốn chuyên nghiệp nhất, SCIC cho rằng, phải nhìn ra người mua, đo được thị trường, tính được thời điểm để định giá tốt nhất, chớp cơ hội đưa hàng ra đúng lúc. Vì thế, quan điểm của SCIC là xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn cho phù hợp thị trường chung, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Kinh nghiệm này cho thấy, mặc dù tiến độ cũng là cần thiết, song điều quan trọng nhất trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn là hiệu quả.
Trong hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được tổ chức cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "không thể không làm" nhưng cũng "không thể làm ào ào". Suy cho cùng, bán vốn nhà nước nên khôn ngoan và có chiến lược để nâng cao hiệu quả phần vốn nhà nước trong DN. Không phải khi có quyết định bán là ngày hôm sau quẳng hết hàng ra bán ào ạt. Trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn và rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn để có phương thức, thời điểm phù hợp.