Xuất khẩu cả năm đạt 13 tỷ USD Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng trưởng khá nhanh trên 10%/năm, chủ yếu sản phẩm gỗ. Điểm đáng chú ý là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ tăng rất nhanh, vài năm gần đây duy trì từ 30-46%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng của sản phẩm gỗ. Năm 2020 tính đến tháng 11, tổng trị giá xuất khẩu đã đạt được 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với con số 10,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, song theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều chủ động có hỗ trợ như có chính sách về tín dụng, giãn thuế, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất… Chính sách không phải phát huy tác dụng ngay vì luôn có độ trễ nhưng đã tạo ra nguồn sức mạnh lớn, niềm tin cho các doanh nghiệp. “Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp “khó ló khôn”, chuyển qua giao dịch qua internet, bán hàng online… Có doanh nhân đã sẵn sàng thế chấp tài sản cá nhân để có vốn giữ được người lao động. Người lao động không bỏ việc, nhảy việc… Có doanh nghiệp đã tận dụng được một phần cơ hội từ sự biến đổi của thị trường quốc tế, quan hệ thương mại với những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc… Tất cả tạo nên kết quả chung”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh. 20 tỷ USD không viển vông Khẳng định xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ cả năm nay chắc chắn “cán đích” 13 tỷ USD, Thứ trưởng Hà Công Tuấn còn chia sẻ thêm, trong năm 2021, chỉ tiêu xuất khẩu phấn đấu đạt 14,5 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm nay, trong điều kiện không có gì đặc biệt phát sinh, nhất là tại các thị trường lớn.
Kết quả này tạo đà để ngành lâm sản hướng tới đạt con số xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được 20 tỷ USD, mỗi năm tới cần tăng bình quân 1,4 ỷ USD, đây là điều có thể đạt được, tuy nhiên kết quả không tự nhiên mà đến. Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích, thứ nhất, nếu không giải quyết tốt vấn đề thị trường quốc tế thì không còn dư địa để tăng trưởng xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn. Hiện nay, trị giá xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã đạt trên 6% tổng trị giá xuất khẩu ngành hàng này trên toàn cầu, mục tiêu là muốn tăng lên ở mức 10%. Thứ hai, muốn đảm bảo đạt được con số xuất khẩu 20 tỷ USD, phải đảm bảo có 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn vào năm 2025. Nếu chỉ có rừng trồng với tỷ trọng gỗ nhỏ phục vụ sản xuất dăm là chính, khả năng nhập khẩu dư địa không nhiều thì nguyên liệu trong nước phải tăng lên thêm nữa. Cụ thể như, gỗ nguyên liệu từ rừng trồng phải đạt khoảng 30 triệu m3 vào năm 2025; đồng thời cố gắng duy trì, gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường có uy tín, chứng chỉ… Thứ ba, ở góc độ thu hút đầu tư, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng cũng phải có giải pháp về vốn, công nghệ, tối thiểu phải có đất để tạo ra khu công nghiệp. “Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy mạnh mẽ khu vực công nghiệp đầu tiên tại miền Trung, cụ thể là tại Nghệ An. Nghệ an vừa có cảng nước sâu, vừa có đường sắt, hàng không rất thuận lợi. Ngoài ra, thời gian tới cần lựa chọn một khu vực nữa ở miền Bắc để phát triển khu công nghiệp trong ngành gỗ, đồng thời phải mở rộng khu vực ở Bình Dương và Đồng Nai để có đất cho doanh nghiệp đầu tư”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết. Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, bên cạnh sản phẩm gỗ, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ phải duy trì đà tăng trưởng tốt, khoảng 30%/năm, nhất là với các mặt hàng nhưu quế, hồi… Đến năm 2025, riêng lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu phải đạt được 7 tỷ USD thì mục tiêu 20 tỷ USD toàn ngành không phải là viển vông.
|