Hồi đó,ếtxưacủangoạkq euro hễ ngửi thấy cái mùi nhang thơm nồng, thoang thoảng hương trầm là tụi nhỏ chúng tôi biết tới 29, 30 tết rồi. Mỗi năm một lần, bà ngoại chỉ đem nhang trầm “thứ thiệt” ra đốt lúc thời khắc giao mùa đến.
Tết nay dù đầy đủ bánh mứt, nhưng với các bà, các mẹ dư vị tết xưa vẫn có dấu ấn riêng.
Giờ, ngoại già, chuyện cúng quải, tết nhứt giao lại cho mợ Út, mùi hương trầm ngày ấy đợi hoài cũng không thấy nữa. Mợ Út mua nhang gì cũng thơm lắm, được người bán giới thiệu là lấy hàng về từ biên giới, ấy vậy mà cũng không bằng mùi nhang của ngoại hay đốt ngày xưa. Nghĩ cũng ngộ, hồi đó có mấy tuổi đâu, mà lại nhớ dai hết biết, chắc cái gì của ngoại tụi tôi cũng nhớ như vậy hết.
Hai năm nay rồi, không hiểu có tâm sự gì, hay mến mộ ca sĩ nào của Solo cùng Bolero, cứ gần tết cậu Út lại hát: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, một chiều xuân em đã hẹn hò…”. Hát nhỏ nhỏ nghe chơi thôi, chứ mà mợ Út nghe là ghen cho biết. Mợ Út hay nói với ngoại: “Ông Út chắc ổng còn tơ tưởng con nào đó má, con đi làm cực khổ như trâu mà ổng ở nhà sướng quá mà”.
Mỗi khi vậy, ngoại lại giảng hòa, cười hiền: “Kệ nó con, bài hát mà, mày ghen như vầy nó sợ muốn chết, còn dám tơ tưởng đến ai”.
Đắc ý, mợ Út cười, như ngầm trong bụng ngoại nói đúng…
Mợ Út về làm dâu nhà ngoại cũng 5 năm nay rồi và từ ngày đó, chuyện ăn tết lại tiện lợi như bên… Tây vậy. Nhà cái gì cũng có, bao bì cái nào cũng đẹp, cũng sang, còn để trong giỏ quà nữa chứ. Mấy cái giỏ quà này hồi tụi tôi còn học cấp 3, cứ ước thầm ngày nào đó được cầm đi tặng thầy cô mà mình thích nhất ở trường, ấy vậy mà đâu có để tặng, tại mắc lắm… Ngoại thấy mợ Út chu đáo, ngoại cũng mừng, nhưng ngoại bảo: “Tao thấy thiếu thiếu cái gì á bây, chưa có đủ tết”.
Lần nào ngoại nói vậy, cậu Út cũng xởi lởi: “Mỗi thời mỗi khác mà má. Má thấy có thiếu gì đâu nè, hồi đó ăn tết cực muốn chết, có ngon lành gì đâu, giờ má thấy hông, cái gì cũng có hết, tiện lợi quá”.
Ngoại trầm ngâm: “Ờ, cũng được”.
Tôi biết, cái mà ngoại thấy chưa đủ là chút hương vị tết xưa…
Mà tính ra cậu, mợ Út cũng thương ngoại. Từ ngày mợ Út về làm dâu, ngoại chẳng cần đụng đến chuyện gì, đồ ăn nhiều lúc được mua sẵn ngoài chợ, trong siêu thị. Mợ Út là con gái miệt Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, còn cậu Út nhà bên vùng khóm Hỏa Tiến, đi đám bạn bè rồi quen, thương nhau, rồi thành vợ chồng. Ngoại hay khen mợ Út là dâu đảm, đi đâu nói tới dâu út là ngoại mỉm cười mãn nguyện…
Hồi tết trước, thấy hai vợ chồng cậu mợ bận, tôi với ngoại mới đi chợ Vị Thanh mua thịt ba rọi về kho rệu. Ối trời, ta nói ngon thấy sợ. Nồi thịt chút mỡ màng, cục thịt ngoại chặt 3-4 ngón tay, có đủ mỡ, thịt, da, kho lên màu cánh gián nhìn thấy mê. Múc ra tô, chấm thêm củ kiệu, dưa cải trộn ớt, tỏi, ăn ngon muốn xỉu… Vậy mà mợ Út chê, nói ngoại ăn mỡ nhiều không tốt, tại bữa trước bác sĩ nói ngoại gan nhiễm mỡ, dễ cao huyết áp, đừng ăn heo có mỡ nhiều. Rồi mợ Út cũng kho thêm nồi thịt, mợ Út khéo tay, nhưng nồi thịt nạc không thôi, ăn… lãng xẹt. Biết vậy, mà tôi đâu có dám chê. Lần đó, ngoại còn kêu tôi qua nhà chú Tư, ở tuốt dưới Hỏa Lựu, mượn cái khuôn bánh kẹp về đổ bánh ăn chơi, ngồi hì hục cả buổi, ngoại nói đau lưng quá nghỉ… Tôi biết ngoại nhớ lắm cái tết xưa.
Trong ký ức, cái tết của ngoại cũng bình dị như chính cuộc đời của ngoại vậy. Tết xưa trong ký ức của ngoại là những cái tết không đầy đủ, đôi khi chỉ có một nồi thịt kho mỡ nhiều hơn thịt, ăn nhín nhút chứ không dám ăn nhiều, là mùi hương trầm thơm thoảng đưa, lắng dịu… chắc thiếu thốn lắm, nhưng đó là những cái tết kỷ niệm, đã hằn sâu trong ký ức của ngoại rồi. Ngày tôi còn nhỏ, đã biết bà ngoại có một cái quần Lãnh Mỹ A, là món quà cưới mà ông ngoại tôi gửi tặng ngoại. Mấy mươi năm mà ngoại vẫn giữ, ngoại mặc được 3 ngày tết rồi lại đem cất đi, cái quần giữ lâu vậy mà vẫn như mới, ngoại hay nói với mấy mợ dâu tôi là thứ vải này tốt thiệt, nhưng bây giờ ít ai bán quá, thành đồ cổ hết rồi.
Mỗi một năm qua đi, cái tết ở mỗi nhà lại đầy đủ hơn, bánh trái cũng nhiều hơn, nhưng ngoại vẫn nhớ tết xưa, cái tết ấm tình dù thiếu thốn…
Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN