Từ khi có mô hình “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer”,ầnnhnrộclub america w trên địa bàn ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, không còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, số lượng mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc giảm, an ninh trật tự ổn định.
Công an xã Hỏa Lựu và thành viên “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” ấp Thạnh Trung, thường xuyên tuyên truyền quy định của pháp luật đến với đồng bào dân tộc Khmer.
Thạnh Trung là ấp có nhiều đồng bào dân tộc Khmer của xã Hỏa Lựu, với 235 hộ. Trước đây, do am hiểu pháp luật thấp nên tình trạng mâu thuẫn trong dân từ việc nhỏ và khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp còn nhiều. Từ đó, chính quyền xã chọn ấp này làm điểm thực hiện mô hình này.
Ông Danh Sol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hỏa Lựu, Tổ trưởng “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” ấp Thạnh Trung, cho biết, tổ có 6 thành viên, là những cán bộ của xã, ấp biết 2 thứ tiếng Kinh và Khmer để khi tuyên truyền, vận động bằng song ngữ cho bà con dễ hiểu. Ngoài ra, xã còn thành lập ban chỉ đạo với thành phần tham gia gồm: ban, ngành, đoàn thể, công an, quân sự và ấp.
Hàng tháng tổ phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các quy định của pháp luật đến bà con; nắm bắt tình hình trong dân để kịp thời tổ chức hòa giải khi có mâu thuẫn. Mặt khác, vận động bà con nếu xảy ra mâu thuẫn nên liên hệ với tổ hòa giải này hoặc chính quyền địa phương giải quyết, tránh tình trạng xung đột, đánh nhau.
Ngoài ra, lực lượng công an còn thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật; gọi hỏi, giáo dục những trường hợp có nguy cơ vi phạm pháp luật... Nhờ đó, mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc giảm dần, không còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Cụ thể, năm 2021 có 1 vụ, đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn ấp không xảy ra vụ mâu thuẫn nào.
Đáng ghi nhận là tất cả các vụ mâu thuẫn khi được tổ chức hòa giải đều thành. Đơn cử như vào tháng 9 năm rồi, hộ bà Thị Chành Thy và Nguyễn Thị Mười, đều dân tộc Khmer, xảy ra mâu thuẫn chỉ vì chuyện nhỏ. Đó là do mưa lớn, nước dâng gây ngập 4 công chanh của gia đình bà Thy. Để khắc phục tình trạng này, hộ bà Thy bơm nước ra nhưng làm ngập nhà bà Mười. Vì vậy, hai bên xảy ra cự cãi trong nhiều ngày.
Sau đó, hộ bà Mười trình báo sự việc với “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” ấp. Biết sự việc, tổ yêu cầu bà Mười viết tờ tường trình và tổ chức hòa giải. Tại cuộc hòa giải, tổ còn mời một số người có uy tín ở địa phương, đồng thời giải thích sự việc, tránh để hai gia đình không vì chuyện nhỏ mà mất tình làng, nghĩa xóm.
“Chúng tôi khuyên giải bà Mười rằng nếu hộ bà Thy không bơm nước sẽ thiệt hại đến năng suất vườn chanh và kinh tế gia đình. Còn việc bơm nước làm ngập nhà bà Mười là lỗi của hộ bà Thy nên phải nhìn nhận và xin lỗi. Sau đó, bà Thy xin lỗi bà Mười nên hai bên vui vẻ trở lại”, ông Sol kể.
Trước đó, vào năm 2018, hộ ông Chau Ninh và Chau Che mâu thuẫn, suýt nữa dẫn đến đánh nhau. Bởi đất của hai ông giáp ranh nhưng sau nhiều năm không được phát hoang dẫn đến cỏ mọc làm mất ranh đất. Khi đó, ông Chau Ninh trồng chanh rồi rào lấn qua đất ông Chau Che. Nhiều lần ông Chau Che nhắc nhở, nhưng ông Chau Ninh cho đó là phần đất của mình. Vì vậy, khiến ông Chau Che bực tức, dẫn đến cự cãi với ông Chau Ninh.
Hay tin, “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” ấp phối hợp với chính quyền địa phương xuống tìm hiểu và tổ chức hòa giải. Sau đó, dựa vào bản đồ, diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai bên, tổ hòa giải tiến hành đo và cắm mốc giáp ranh lại. Biết mình sai, ông Chau Ninh xin lỗi ông Chau Che và hai ông bắt tay làm hòa.
Tham gia nhiều cuộc hòa giải, ông Danh Sol chia sẻ, đồng bào dân tộc Khmer trình độ còn thấp, việc tiếp cận pháp luật hạn chế nên mỗi khi không thống nhất việc gì là thường dẫn đến cự cãi. Tuy nhiên, chỉ cần giải thích những quy định của pháp luật, nghĩa tình láng giềng... thì người dân sẽ đồng thuận, làm theo.
Nhờ đó, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, người dân ấp Thạnh Trung nói chung ngày càng đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ, cảm thông nhau. Ngoài ra, họ còn thường xuyên vận động, giáo dục con em chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như không trộm cắp, điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải đội nón bảo hiểm...
Từ hiệu quả trên, xã Hỏa Lựu vừa nhân rộng mô hình này ra ấp Thạnh Phú và Thạnh Đông, được người dân nơi đây ủng hộ. Ông Danh Điệp, ở ấp Thạnh Đông, cho rằng: “Mô hình này rất hữu ích cho đồng bào dân tộc Khmer, vì giúp chúng tôi hiểu biết hơn các quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng, tránh vi phạm”.
Ông Danh Sol cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, nâng chất mô hình này. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer chấp hành tốt các quy định của pháp luật cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần giữ vững tình làng, nghĩa xóm và ổn định an ninh trật tự địa phương”.
Đại úy Nguyễn Hữu Ngân, Trưởng Công an xã Hỏa Lựu, cho biết: “Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với ban, ngành và “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” tiếp tục tuyên truyền các quy định pháp luật đến với đồng bào dân tộc; kịp thời nắm bắt dư luận để tham mưu, xử lý, nhất là không để đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương”. |
Bài, ảnh: NHẬT TÂN