Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đe dọa đứt gãy chuỗi cung kéo dài | |
Ông Putin: Kinh tế Nga đã vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19 | |
Các tổ chức quốc tế cảnh báo về khủng hoảng lương thực toàn cầu |
Nga có thể cứu EU khỏi khủng hoảng năng lượng? |
Hiện nay, khối lượng khí đốt ở các kho chứa dưới mặt đất của EU khoảng 87,2 tỷ m3 (khoảng 78% sức chứa). Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại thời điểm này hàng năm vào khoảng gần 90%. Điều này có nghĩa là để đạt mức trung bình hàng năm, cần bổ sung thêm khoảng 13 tỷ m3 khí đốt.
Nếu tính đến những biến động có thể xảy ra về nhu cầu và nhiệt độ mùa Đông thì người châu Âu sẽ thiếu khoảng 10-15 tỷ m3 để sưởi ấm qua mùa Đông sắp tới. Con số này không quá nhiều, chỉ khoảng 2-3% mức tiêu thụ hàng năm của châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ toàn bộ thị trường thế giới đang trong tình trạng căng thẳng và dường như sẽ không thể cung cấp khối lượng như vậy trong tương lai gần.
Nhu cầu khí đốt cũng ngày càng tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã làm "nóng" toàn bộ thị trường thế giới. Các nhà cung cấp lớn đã định hướng lại nguồn cung của họ sang châu Á và giảm xuất khẩu sang châu Âu. Các nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên thường hoạt động gần hết công suất, do đó, không thể tăng mạnh nguồn cung trong ngắn hạn.
Trong năm nay, nguồn cung của Gazprom vào thị trường nội địa cũng tăng đáng kể, khoảng 20% so với năm 2020 (và khoảng 7% so với năm 2019). Nguyên nhân của sự tăng này là do nhu cầu của ngành điện và dân số. Việc sử dụng điện năng ở Nga cũng tăng lên trong vài tháng trở lại đây khoảng 6-7% và do các nhà máy nhiệt điện cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về khí đốt tăng thêm. Gazprom cũng có trách nhiệm lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của Nga. Trong mùa nóng năm 2020 - 2021, 61 tỷ m3 khí đốt đã được lấy ra từ các cơ sở lưu trữ của Nga, nhiều hơn đáng kể mức 30-40 tỷ m3 thông thường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trước khi mùa sưởi ấm đến cần phải lấp đầy lượng khí đốt đã rút ra này.
Nhiều khả năng Gazprom có thể tăng một phần lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu, bao gồm việc sử dụng nguồn dự trữ tại các cơ sở lưu trữ của Nga. Tuy nhiên, nguồn này cũng có giới hạn, và khó có thể cung cấp thêm 10-15 tỷ m3 cho châu Âu vào cuối năm nay.
Khí đốt ở Nga không chỉ được sản xuất bởi mỗi Gazprom mà còn bởi các nhà sản xuất độc lập, cung cấp khoảng 1/3 tổng sản lượng. Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường châu Âu của họ bị cản trở bởi các điều luật quy định về sự độc quyền xuất khẩu khí đốt do Gazprom sở hữu. Những thay đổi được thông qua vào năm 2013 đã cho phép các công ty khác của Nga xuất khẩu khí hóa lỏng, nhưng chỉ cho công ty có giấy phép xây dựng nhà máy LNG, có nghĩa là công ty Novatek. Quy định này thường được gọi là “kênh xuất khẩu duy nhất” và được thiết lập nhằm tăng khả năng cạnh tranh của khí đốt Nga tại thị trường châu Âu quan trọng. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất khí đốt độc lập thường xuyên đề nghị thay đổi quy định này, nhưng những đề xuất này không bao giờ được chấp nhận.
Các nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất ở Nga là Novatek và Rosneft. Novatek tuân thủ chiến lược cân bằng hội nhập theo chiều dọc, theo đó, các mỏ mới được phát triển là cơ sở tài nguyên phục vụ cho các nhà máy LNG của chính họ. Rosneft có các kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh khí đốt tham vọng, nhưng sản lượng của công ty này lại giảm liên tục kể từ năm 2017. Năm nay, công ty này đã khởi động một dự án khí đốt lớn mang tên Rospan, nhưng thời hạn để đạt mức sản lượng theo kế hoạch dự kiến (21 tỷ m3/năm) đã bị hoãn lại nhiều lần. Điều này có nghĩa là, trong ngắn hạn, khả năng tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất độc lập cũng bị hạn chế, ngay cả khi tính độc quyền xuất khẩu của Gazprom được gỡ bỏ.