【ti so juve】Doanh nghiệp khoa học & công nghệ: Hỗ trợ chưa tới
Ưu đãi nhiều
Theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP về DN KH&CN, các DN KH&CN được miễn, giảm thuế Thu nhập DN như DN đầu tư vào khu công nghệ cao, với điều kiện doanh thu từ việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trong năm thứ nhất đạt ít nhất 30% tổng doanh thu, năm thứ 2 là 50% và năm thứ 3 là 70%. Mức ưu đãi về thuế được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/VBHN-BKHCN năm 2015, trong đó, DN được áp thuế suất thuế Thu nhập DN là 10% trong 15 năm, được miễn thuế Thu nhập DN trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm… cùng nhiều ưu đãi khác.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, bên cạnh ưu đãi về thuế, DN KH&CN sẽ còn được hưởng ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ về KH&CN; ưu đãi về sử dụng đất; hỗ trợ DN KH&CN phát triển và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường.
Với những chính sách này, các DN đều cho rằng đã khá phù hợp với nhu cầu của DN, bởi điều này sẽ giúp DN bớt được gánh nặng chi phí, cũng như có điều kiện để phát triển sản phẩm được tốt hơn. Nhưng điều quan trọng, các DN cho rằng, chính sách phải được áp dụng một cách thực chất, hiệu quả.
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4-2012 có đặt ra mục tiêu đến năm 2015, cả nước phải có 3.000 DN KH&CN, 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao. Đến năm 2020, con số này lên tới 5.000 DN KH&CN và 60 cơ sở ươm tạo. Tuy nhiên, thông tin từ Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, tính đến tháng 11-2015, cả nước mới có 204 DN được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN và 6 cơ sở ươm tạo. Như vậy, mục tiêu mà Chiến lược đề ra còn một khoảng cách rất xa.
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, nguyên nhân của việc thiếu vắng DN KH&CN là do việc phát triển DN còn một số tồn tại, vướng mắc, trong số đó là do cách hiểu của các cơ quan quản lý nhà nước về Giấy chứng nhận DN KH&CN chưa thống nhất khi chưa coi Giấy chứng nhận DN KH&CN là Giấy đăng ký hoạt động KH&CN của DN, trong việc tiếp cận các ưu đãi vẫn yêu cầu DN phải có Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư... Bên cạnh đó, các DN KHCN có cơ sở hạ tầng, đầu tư kinh doanh còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu thị trường...
Cần nhiều hơn hỗ trợ
Thực tế là vẫn còn nhiều DN chưa nhận được những ưu đãi từ các chính sách cho DN KH&CN. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hỗ trợ Phát triển Công nghệ DETECH, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Phương Đông cho biết, DN này cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin hay sự hỗ trợ nào từ phía cơ quan Nhà nước và các chính sách liên quan đến DN KH&CN. Hiện DN vẫn đang hoạt động bằng nguồn vốn tự có, các cơ chế về thuế vẫn được áp dụng bình đẳng như các DN khác.
Nói cụ thể hơn về chính sách ưu đãi cho DN KH&CN, ông Lưu Hải Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho rằng, các hỗ trợ về thuế hay ưu đãi cho DN KH&CN hiện đã khá đầy đủ, vấn đề chỉ còn ở cách tiếp cận ở từng DN. Hơn nữa, vướng mắc bức thiết của các DN KH&CN là đang “tắc” ở “đầu ra”, chưa tìm được thị trường tiêu thụ, do không cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập, không đủ kinh phí để thực hiện các chiến lược kinh doanh, quảng cáo.
Không những thế, theo ông Minh, một số quy chế, quy định về KH&CN tại Việt Nam chưa theo chuẩn quốc tế, ví dụ như công nghệ nano đã được ứng dụng rất nhiều ở Nhật Bản nhưng việc đăng ký ở Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn bởi các tiêu chuẩn về công nghệ nano chưa đầy đủ.
Đồng quan điểm, bà Dương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thanh Cao (DN nông nghiệp công nghệ cao) cho hay, công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong đó có Sở KH&CN Hà Nội cũng như các tổ chức khoa học. Tuy nhiên, ngoài việc hỗ trợ về kinh phí, giảm thuế, DN cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, cần sự liên kết hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn vào sản xuất. Bởi đây mới là những vấn đề DN KH&CN còn thiếu và yếu nhất.
Bên cạnh những khó khăn và mong muốn nêu trên, một số DN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cho hay, lĩnh vực mà họ đầu tư cũng đã là lĩnh vực ưu tiên nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước, với điều kiện dễ dàng hơn khi tiếp cận ưu đãi của DN KH&CN. Vì thế, các DN này không “mặn mà” với những chính sách của DN KH&CN, thậm chí cũng không quan tâm đến việc làm giấy đăng ký chứng nhận DN KH&CN.
Nhìn chung, mỗi DN đều có những khó khăn riêng, những vấn đề riêng cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Vì thế, các cơ quan này phải tìm biện pháp hỗ trợ đúng, cụ thể và hiệu quả nhưng vẫn phải phù hợp với các quy định của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.