Nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo,ếpănđồngcủxep hang serie bà Trần Thị Dung, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đã tự lập “Bếp ăn 0 đồng”.
Mỗi ngày “Bếp ăn 0 đồng” cung cấp hàng trăm phần ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Khoảng một tháng nay, mỗi ngày căn nhà của bà Dung đều nhộn nhịp tiếng nói cười, bởi nhiều người tập trung lại đây để nấu cơm từ thiện. Mỗi người, mỗi việc, người nấu cơm, người nhóm bếp, nhặt rau, sơ chế đồ ăn, người đứng nấu chính để có được những phần ăn ấm nóng. Chưa được 5 giờ sáng, những món ăn đầu tiên đã hoàn tất, nhưng các cô, các dì vẫn chưa dừng lại, bởi mọi người phải chuẩn bị những món ăn khác để phục vụ miễn phí cho người lao động nghèo vào bữa ăn buổi trưa, buổi chiều. Vừa chiên tàu hủ, bà Dung cho biết: “Lúc trước tôi nấu cơm ở Tổ cơm, cháo, nước sôi Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A. Thấy nhiều lao động nghèo, người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn... tôi mong sao có thể được giúp đỡ họ. Vì vậy, tôi quyết định thành lập “Bếp ăn 0 đồng”, để có thể chia sẻ phần nào khó khăn với bà con”.
Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, bà Dung xuất tiền túi để mua gạo nấu cơm, mua nguyên liệu chế biến món ăn. Dần dà, mọi người biết đến hoạt động của bếp ăn nên ủng hộ gạo, rau củ, thực phẩm, vật dụng nhà bếp… “Củi đó là do mạnh thường quân cho, rồi có mạnh thường quân cho cái nồi hấp cơm, còn rau củ quả nữa. Nhờ tấm lòng của mọi người, bếp ăn phục vụ các món chay từ thứ hai đến chủ nhật và mỗi ngày chúng tôi nấu khoảng 40-50kg gạo”, bà Dung cho hay. Hiện nay, tuy đã được một vài mạnh thường quân ủng hộ, nhưng bà Dung vẫn xuất tiền túi tiếp tục thực hiện công việc thiện nguyện tâm huyết này, tiền này là tiền lời từ công việc mua bán dừa của gia đình bà.
Mỗi ngày có từ 10 đến 15 cô, dì tham gia nấu cơm tại bếp ăn. Dẫu ai nấy đều tất bật với công việc nhưng không khí tại bếp luôn rộn rã tiếng cười. Bà Đặng Thị Chánh, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Tôi thấy bếp ăn 0 đồng là mô hình đầy ý nghĩa, có thể chia sẻ với cộng đồng, nhất là người nghèo khó. Do đó, mỗi ngày tôi đều sang đây cùng với mấy chị nấu cơm, nấu nướng thức ăn”.
Các thành viên tham gia nấu tại “Bếp ăn 0 đồng” mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, họ gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện, chung chí hướng muốn sẻ chia khó khăn cùng những người nghèo khó. “Nhìn bà con có bữa ăn no và ngon miệng, chúng tôi thấy vui lắm. Niềm vui ở đây là được chia sẻ với những lao động nghèo”, bà Võ Thị Út Nhỏ, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tham gia nấu tại bếp ăn bộc bạch.
Bếp ăn trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người bán vé số, lao động nghèo. Nhìn nét mặt vui cười của mọi người bên những phần cơm miễn phí không chỉ bà Dung và những cô, những dì tham gia nấu bếp cũng cảm thấy ấm lòng. Chị Huỳnh Trúc Ly cho biết: “Nhà tôi ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tôi sang thị trấn Một Ngàn làm công nhân. Trước khi chưa có “Bếp ăn 0 đồng” này, buổi trưa tôi phải đi ăn cơm phần, bình quân 25.000 đồng/phần, tính ra tiền cơm và xăng xe mỗi ngày cũng hết 50.000 đồng. Nhờ có bếp ăn này, giúp tiết kiệm được khoản chi phí, người lao động chúng tôi mừng lắm. Tuy là cơm miễn phí nhưng thức ăn vừa miệng và ngon lắm”.
Còn chị Lê Thị Tuyết Mai, ở thị trấn Một Ngàn, chia sẻ: “Là công nhân, thu nhập mỗi tháng của tôi được 4 triệu đồng. Trong lúc giá cả tăng cao như thế này, có bếp ăn 0 đồng, người lao động chúng tôi mừng lắm. Với ý nghĩa thiết thực này, mong rằng mô hình tiếp tục được duy trì”.
Các món ăn được bà Dung và mọi người thay đổi mỗi ngày, nhằm bảo đảm dinh dưỡng, giúp mọi người ngon miệng. Từ khi thành lập đến nay, mỗi ngày bếp ăn cung cấp hàng trăm phần ăn cho những lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Bếp ăn 0 đồng” tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, không chỉ là sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng mà còn tiếp thêm động lực để người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ để bếp ăn luôn “đỏ lửa”. Qua đó, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp và góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội…
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU