Kho bạc Nhà nước Lào Cai: Chủ động, sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư | |
Thúc giải ngân vốn đầu tư công là “mấu chốt” phục hồi nền kinh tế | |
Giải ngân vốn, nhiều đơn vị vẫn "án binh bất động" |
Hội nghị có sự tham gia của 12 bộ được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Khó hoàn thành nhiệm vụ
Báo cáo phát ra tại hội nghị đã nêu lên thực trạng giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 trong 6 tháng qua.
Tính đến hết ngày 24/6/2020, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương đạt 15,46% so với dự toán được giao; 3 Bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn là Bộ Giao thông vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%). Duy nhất Bộ Công Thương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công với dự toán được giao là 138 tỷ đồng.
Giải ngân của các địa phương đạt 11,98% so với dự toán, trong đó 14 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch vốn là Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Tuy nhiên, có 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.
Riêng TPHCM, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13% do đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án (Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TPHCM) trị giá 4.600 tỷ đồng. Trường hợp UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
Bộ Tài chính đưa ra nhận định rằng, nửa đầu năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.
Song, với nỗ lực của các bộ, địa phương và các chủ dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 mặc dù vẫn thấp hơn kết quả giải ngân chung của nguồn vốn đầu tư công trong nước.
Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Chậm vẫn chủ yếu do chủ quan
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng: Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp với nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.
Về khách quan, theo Thứ trưởng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các dự án sử dụng vốn nước ngoài đều bị đình trệ; các chuyên gia nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam để hỗ trợ việc triển khai.
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách mới được ban hành như Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Nghị định 16/2016/NĐ-CP) đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay. Những sự thay đổi về cơ chế chính sách này dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án do chưa kịp cập nhật.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án.
Nhiều dự án lớn như Trung tâm vũ trụ Việt Nam, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.... phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
Nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2020, số rút lần đầu về tài khoản đặc biệt hoặc bổ sung tài khoản đặc biệt là 8.700 tỷ đồng nhưng số hoàn chứng từ mới chỉ là 620 tỷ đồng.
Vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Với 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều là thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.