Hải quan Hải Phòng xử lý 45 vụ vi phạm thông qua máy soi container | |
Hải quan Hải Phòng ký hơn 20.000 bản thỏa thuận với doanh nghiệp | |
Hải quan Hải Phòng thu ngân sách 33.000 tỷ đồng | |
Hải quan Hải Phòng: Phát huy kênh tương tác online hỗ trợ doanh nghiệp |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCX và KCN (Cục Hải quan Hải Phòng). |
Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu 56.000 tỷ đồng
Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, hết tháng 6, Cục Hải quan Hải Phòng thu được 32.975 tỷ đồng, tăng 6.468 tỷ đồng (tương ứng 24,4%) so với cùng kỳ 2020, đạt 58,9% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (56.000 tỷ đồng) và 57% chỉ tiêu phấn đấu do Tổng cục Hải quan giao (57.900 tỷ đồng).
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, kết quả thu ngân sách những tháng đầu năm tăng khá ngoài các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu ngân sách, còn do nguyên nhân khách quan từ sự tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng có kim ngạch và số thuế lớn như ô tô, máy móc thiết bị, xăng dầu, linh kiện ô tô, rượu bia… Cục Hải quan Hải Phòng tính toán, riêng các nhóm hàng chủ lực đạt số thu 26.903 tỷ đồng, tăng 4.609 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu theo chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao, 6 tháng cuối năm, Hải quan Hải Phòng còn phải thu 23.025 tỷ đồng. Với kết quả thu 6 tháng đầu năm, khả năng thu đạt và vượt chỉ tiêu của đơn vị là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường như hiện nay, Cục Hải quan Hải Phòng xác định toàn Cục cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu cả năm 2021.
Theo Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Nguyễn Ngọc Khánh, các nhóm giải pháp trọng tâm được Phòng tham mưu cho lãnh đạo Cục chỉ đạo thống nhất trong toàn đơn vị là: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến trong nội bộ cơ quan để tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thu hút thêm doanh nghiệp làm thủ tục tại Hải quan Hải Phòng. Bởi số thu ngân sách của địa bàn Hải Phòng đóng góp 87% số thu toàn Cục (số thu còn lại từ các chi cục: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình) nhưng số từ doanh nghiệp trên địa bàn chỉ chiếm từ 11-14%.
Ngoài giải pháp tạo thuận lợi, Hải quan Hải Phòng tiếp tục theo dõi, phân tích sát tình hình thu ngân sách; tiếp tục tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chống thất thu; tăng cường công tác thu hồi nợ thuế; giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là vướng mắc về chính sách thuế, mã, giá… để doanh nghiệp nộp thuế kịp thời.
Chặn các “thủ thuật” trốn thuế
Là địa bàn có số lượng doanh nghiệp làm thủ tục nhiều, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, đa dạng, phong phú về chủng loại, loại hình thực hiện thủ tục, do vậy nguy cơ gian lận, trốn thuế là thách thức không nhỏ đặt ra đối với Cục Hải quan Hải Phòng.
Với thực tế như trên nên những năm qua, công tác chống thất thu thuế luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cục Hải quan Hải Phòng chú trọng thực hiện. Công tác chống thất thu tại Cục được kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa Phòng Thuế xuất nhập khẩu với các đơn vị nghiệp vụ như kiểm soát chống buôn lậu; kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; các chi cục hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu…
Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Cục ban hành nhiều văn bản để triển khai hiệu quả nhiệm thu và chống thất thu ngân sách. Điển hình như công văn 362/HQHP-TXNK ngày 12/1 về triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021; công văn 1017/HQHP-TXNK ngày 27/1 về triển khai Chỉ thị 215/CT-TCHQ của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.
“Tại các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị với các giải pháp chống gian lận thương mại qua mã, giá, C/O…”, ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết thêm.
Cùng với đó, Phòng Thuế xuất nhập khẩu thường xuyên kiểm tra rà soát trên hệ thống việc khai báo, áp giá, áp mã, áp dụng mức thuế suất tại các chi cục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp không thực hiện đúng, tránh tình trạng áp mã, áp giá không thống nhất, đặc biệt với các nhóm hàng có thuế suất cao, trị giá lớn, tần suất nhập khẩu nhiều…
Theo lãnh đạo Phòng Thuế xuất nhập khẩu, cập nhật hết tháng 5, thông qua các biện pháp chống thất thu, toàn Cục đã thu nộp ngân sách nhà nước được 302 tỷ đồng.
Không chỉ là số tiền tăng thu trực tiếp về cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp chống thất thu còn góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan…