Di chứng của chất độc da cam khiến tay, chân của chị không lành lặn, sức khoẻ yếu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, những khiếm khuyết ấy không làm vơi đi sự nhiệt tình của chị Lê Song Tùng, cộng tác viên (CTV) dân số ấp Kinh Tư, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Hằng ngày, trên đôi chân không lành lặn, chị vẫn đi để tuyên truyền các chính sách dân số, các hoạt động của hội phụ nữ, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em… đến người dân địa phương.Di chứng của chất độc da cam khiến tay, chân của chị không lành lặn, sức khoẻ yếu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, những khiếm khuyết ấy không làm vơi đi sự nhiệt tình của chị Lê Song Tùng, cộng tác viên (CTV) dân số ấp Kinh Tư, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Hằng ngày, trên đôi chân không lành lặn, chị vẫn đi để tuyên truyền các chính sách dân số, các hoạt động của hội phụ nữ, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em… đến người dân địa phương.
Những ngày mới tiếp nhận công việc chị Tùng gặp không ít khó khăn. Bởi lúc ấy trên địa bàn chị phụ trách vẫn còn tình trạng sinh con thứ 3, quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, hay “trời sinh voi sinh cỏ” còn nặng nề. Không chịu lùi bước trước khó khăn, chị dành thời gian đến từng nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thăm hỏi thường xuyên những gia đình cần tiếp cận các dịch vụ tránh thai để từ đó tư vấn, giúp đỡ chị em phụ nữ. Không chỉ gõ từng nhà, rà từng đối tượng, chị Tùng còn gần gũi chị em, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai. Chị Tùng tâm sự: “Những ngay đầu mới tiếp xúc với công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) gặp không ít khó khăn, nhất là cách tiếp cận, giải thích để không chỉ chị em phụ nữ mà các ông chồng cũng hiểu để chia sẻ với vợ. Khó khăn như vậy nhưng khi mình nhận nhiệm vụ là phải quyết tâm hoàn thành”. Chị Tùng quan niệm, để làm tốt công việc này, ngoài sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với mọi người, cần phải có kiến thức liên quan đến DS-KHHGÐ. Nhận thức được điều đó, chị không ngừng học hỏi thêm kiến thức, cách thức tuyên truyền của những người đi trước, kết hợp với việc tìm hiểu thêm thông tin về công tác dân số trên báo, đài. Ðể vận động các gia đình không sinh con thứ 3, chị đã dẫn chứng điển hình từ những gia đình sinh ít con, có điều kiện kinh tế khá giả trong xóm ấp, cho thấy được điểm có lợi của việc sinh đẻ có kế hoạch. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và kiên trì của chị, nhiều người dân trong ấp đã hiểu và hưởng ứng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Chính nhờ sự tâm huyết, kiên trì trong công việc nên năm nào công tác DS-KHHGÐ của ấp do chị phụ trách cũng đạt chỉ tiêu, kế hoạch. 328 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt gần 100%. Từ năm 2009 đến nay, ấp chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3. Bác sĩ Dương Chí Học, Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Dù cơ thể không lành lặn, sức khoẻ yếu, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn… nhưng chị Lê Song Tùng là một CTV dân số giỏi, chị luôn nhiệt tình trong công việc, đi sâu sát từng đối tượng, từng hộ. Trong các đợt chiến dịch dân số của địa phương, chị đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra”./. Bài và ảnh: Thanh Phương |