Đồng bào dân tộc Ba Na (Tơ Tung, K’bang, Kon Tum) quan niệm vạn vật hữu linh và cầu cúng là phương thức phổ biến để đồng bào giao tiếp với thần linh. Trong những giai đoạn nhất định, đời người sẽ chịu tác động của những thần linh khác nhau. Những đứa trẻ luôn được bao quanh bởi nhiều vị thần. Muốn chúng được mạnh khỏe, đồng bào phải thực hiện các nghi lễ cầu xin các vị thần phù hộ từ khi đứa bé mới sinh ra đến tuổi trưởng thành. Tùy điều kiện mà chủ nhà chuẩn bị lễ vật, tuy nhiên, không thể thiếu cây nêu, mẹt, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ, con gà (với con trai thì gà trống, con gái thì gà mái). Con gà sau khi mổ thịt, chọn ra một vài miếng như gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để tiến hành lễ. Những đứa trẻ sau khi sinh từ 3 tháng đến 24 tháng sẽ phải tổ chức lễ thổi tai. Ngoài cầu cho đứa trẻ khỏe mạnh, người Ba Na tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh. Các thầy cúng tiến hành nghi lễ tại phần sân trước cửa nhà để mời các vị thần về. Khi bà đỡ, thầy cúng có mặt, gia đình đưa em bé ra ngồi trước lễ vật để thầy cúng khấn. Cha mẹ em bé ngồi phía đông của lễ vật, còn thầy cúng ngồi ở phía tây. Bà đỡ, thầy cúng đến chúc phước, cầu mong sự may mắn; cúng thần hộ mệnh bảo vệ đứa trẻ. Người ta không quên gọi các yang (thần), tổ tiên, ông bà; yang đông yang tây, yang rừng rú, suối sông; yang sinh đẻ, bảo vệ loài người… Khi cúng, người ta mang em bé sơ sinh ra bồng bế, vỗ nhẹ vào ngực, lưng và thổi tượng trưng vào tai. Khấn xong, thầy cúng xoa nhẹ vào đầu, ngực, lưng, tay chân em bé, và thổi tượng trưng vào tai bé, buộc chỉ vào rái tai. Thực hiện xong nghi lễ, thầy cúng mời bà đỡ, cha mẹ em bé uống rượu cần để cảm tạ. Với Lễ thổi tai, người Ba Na tin rằng em bé sẽ luôn khoẻ mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người tốt. Đồng bào thường làm phần nghi thức trong nhà sàn. Sau khi cúng Yàng, bà con họ hàng uống rượu vui chơi, ca hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, để chúc mừng em bé tại sân lễ hội. |